Tổng Sản Phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam tăng lên có phần nhờ thực tế bình đẳng giới. Đây là thông tin được nêu ra tại diễn đàn trực tuyến với tiêu đề “Nam giới, nam tính và bình đẳng giới tại Việt Nam” tổ chức ngày 3 tháng 11 năm 2020. Báo nhà nước Việt Nam đưa tin.
Diễn đàn do Tổng Lãnh sự Quán Úc ở Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị: Sáng kiến Đầu tư cho Phụ nữ, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và CARE Việt Nam tổ chức.
Theo báo cáo của Công ty Tư vấn McKinsey vào năm 2018, bình đẳng giới có thể tăng thêm 40 tỷ USD cho GDP hàng năm của Việt Nam cho đến năm 2025 và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng lên 10%. Sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động sẽ là nguồn lực chủ chốt để gia tăng năng suất, thúc đẩy bình đẳng thu nhập, và tăng sự đa dạng kinh tế ở Việt Nam.
Tại diễn đàn, các nghiên cứu viên của CARE Việt Nam đã chỉ ra rằng các vai trò giới truyền thống tác động đến các cơ hội tuyển dụng và thăng tiến của phụ nữ, hạn chế năng lực tổng thể của nền kinh tế để tối đa hóa năng lực của lực lượng lao động.
Theo tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Giám đốc ISDC thì quan niệm về “người đàn ông thực sự” đã ngăn cản các nỗ lực bình đẳng giới và ảnh hưởng tiêu cực đến nam giới, dẫn đến các hành vi bạo lực và rủi ro như uống rượu và hút thuốc. Tổng lãnh sự Úc - bà Julianne Cowley, thì nói rằng việc trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái là một ưu tiên của Chính phủ Úc và là nguyên tố cốt lõi trong mối quan hệ hợp tác kinh tế của Úc với Việt Nam.
Theo Liên Hợp Quốc, bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và đàn ông được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người và có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển của xã hội nói chung.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres từng chỉ ra một thực tế là chế độ gia trưởng cũng có tác động đến nam giới và trẻ em trai, khiến họ mắc kẹt trong những định kiến giới cứng nhắc và một sự thay đổi mang tính hệ thống là cực kỳ cần thiết.