Đường lối của Việt Nam đối với Trung Quốc và Biển Đông trong nhiệm kỳ 13 của Đảng

“Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc”

Đây là trả lời của phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đối với câu hỏi của phóng viên hãng Phoenix TV Hong Kong. Trong cuộc họp báo trực tuyến vào ngày 4 tháng 2, phóng viên của hãng Phoenix TV Hong Kong nêu câu hỏi về đường lối đối ngoại của đảng và chính phủ Việt Nam sau đại hội đảng 13 với đảng và chính phủ Trung Quốc.

Bà Lê Thị Thu Hằng cũng nhắc lại tại Đại hội Đảng 13 vừa diễn ra ở Hà Nội từ ngày 25/1 đến 1/2 vừa qua Việt Nam rằng Việt Nam khẳng định lập trường không thay đổi là độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đẩy mạnh, đưa quan hệ với các đối tác, đặc biệt là các đối tác quan trọng, trong đó có Trung Quốc.

Thạc sĩ Hoàng Việt, Chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, vào chiều ngày 4 tháng 2 có nhận định về đường lối đối ngoại của Việt Nam như sau:

Thực ra mà nói cũng có nhiều tranh luận về việc này nhưng đa phần nhiều người cũng cho rằng Việt Nam cũng đã làm hiệu quả tốt việc cân bằng quyền lợi, đặc biệt đẩy mạnh chính sách đa phương hóa, quốc tế hóa với khu vực Biển Đông.

Tôi nghĩ rằng đây cũng là một hướng tốt vì trong thế giới hiện nay thì không thể ngả vào bên nào, chưa kể giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang có cạnh tranh chiến lược với nhau, dẫn tới ngay cả toàn bộ khối ASEAN cũng đưa ra ý kiến không thể chọn bên. Vì vậy tôi nghĩ rằng về mặt tổng thể thì chính sách của Việt Nam cũng hợp lý.

Tuy nhiên, phải đặt thêm vấn đề là việc chung chung thì Việt Nam nói được, nhưng trong vấn đề cụ thể chưa thấy Việt Nam nêu ra, ví dụ như hướng đi, sách lược cụ thể với việc Trung Quốc tiếp tục hung hăng trên Biển Đông thế nào hoặc những vấn đề khác ẩn chứa đằng sau hiểm họa của Trung Quốc như Một vành đai, một con đường… thì phía Việt Nam lại ít khi đưa ra tuyên bố cụ thể về vấn đề đó.

Đối với câu hỏi về tin Trung Quốc đang hoàn tất căn cứ tên lửa đất đối không tại tỉnh Quảng Tây, chỉ cách biên giới Việt Nam chừng 20 km, bà Hằng nói Việt Nam sẽ cho xác minh cụ thể vấn đề này.

Về vấn đề Biển Đông, đặc biệt Luật Hải cảnh của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 2 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lặp lại câu nói lâu nay là Việt Nam có đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và yêu cầu tôn trọng Công ước Liên hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982.

Đối với những câu hỏi về thông cáo chung vào ngày 3 tháng 2 của 4 vị bộ trưởng hai nước Nhật và Anh Quốc về Biển Đông, cũng như công hàm của Nhật và các nước gửi Liên Hiệp Quốc phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, bà Hằng nhắc lại Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về Biển Đông phù hợp luật pháp quốc tế. Hà Nội chia sẻ quan điểm như đã nêu trong Tuyên bố dịp Hội Nghị Cấp cao ASEAN 36, và Thông cáo Chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 rằng UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.