Các nỗ lực của Liên minh Châu Âu (EU) nhằm đúc kết thỏa thuận mậu dịch tự do với Việt Nam có thể bị ảnh hưởng vì các vi phạm nhân quyền từ phía chính phủ Việt Nam.
Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch vào ngày 17 tháng 9 cho biết như vừa nêu, dẫn một lá thư do các thành viên Nghị viện Châu Âu đồng ký tên được gửi tới Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmström và Đại diện Cấp cao Federica Mogherini vào tuần này. Theo nội dung thư, 32 thành viên của Nghị viện Châu Âu (MEP) nêu một loạt quan ngại về thành tích nhân quyền của chính phủ Hà Nội, bao gồm việc giam giữ những người bất đồng chính kiến, ngăn cản tự do ngôn luận và lập hội, thắt chặt tự do báo chí và truyền thông, kiểm duyệt mạng Internet.
Trong thư, các Nghị viên Châu Âu cảnh báo rằng nếu tình hình không được cải thiện thì họ sẽ khó mà phê duyệt thỏa thuận mậu dịch tự do với Việt Nam. Đây là bước cần thiết để thỏa thuận có hiệu lực, đồng thời kêu gọi EU đưa ra một loạt các mốc đánh giá về nhân quyền mà Việt Nam cần đạt được trước khi các thỏa thuận được trình lên để Nghị viện Châu Âu phê chuẩn, cụ thể là trong các lĩnh vực tự do ngôn luận và lập hội, tự do tôn giáo và quyền của người lao động.
Hồi tháng 6 vừa qua, sau một cuộc gặp với đối tác Việt Nam, Cao ủy Malmström đã phát biểu về Việt Nam như một "ví dụ điển hình về một quốc gia đang phát triển đã nắm bắt được các cơ hội thương mại toàn cầu rộng mở, song song với các cam kết rõ rệt về tôn trọng nhân quyền".
Nhưng chỉ vài tuần sau đó, chính EU nhận xét rằng các cam kết này vẫn chưa được thực hiện, khi thêm một nhà hoạt động nữa bị xử án tù.
Việt Nam đang mong muốn đạt được thỏa thuận thương mại này nên EU có lợi thế trong việc đàm phán, và các Nghị viên đang vận dụng lợi thế đó để yêu cầu Việt Nam cải thiện nhân quyền một cách cụ thể.