Tham nhũng khó giải quyết rốt ráo nếu ông Trọng chỉ chăm "đốt lò"

"Đốt lò", như tên gọi không chính thống lâu nay trong một bộ phận công chúng và giới quan sát ở Việt Nam, chỉ chiến dịch chống tham nhũng do Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành vài năm gần đây, sẽ khó giải quyết được tận gốc vấn đề, theo ý kiến một nhà quan sát thời sự từ trong nước.

"Đốt lò chỉ là giải pháp tình thế của đảng Cộng sản Việt Nam, thực ra những người ít hiểu biết về luật pháp và xã hội, thì sẽ bảo là ổn, nhưng thực ra nếu hiểu sâu sắc về thể chế và vấn đề thì sẽ biết ngay rằng cái này chỉ là bề ngoài, mà không giải quyết được tận gốc vấn đề", blogger Phạm Viết Đào, nhà quan sát, bình luận thời sự Việt Nam nêu quan điểm hôm 19/04/2023 từ Việt Nam.

Nhìn vấn đề từ khía cạnh kinh tế trước tiên, ông Phạm Viết Đào, người từng là Trưởng phòng Thanh tra hành chính và phòng chống tham nhũng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Việt Nam trước đây, giải thích:

“Theo tôi, gốc của vấn đề chống tham nhũng là vấn đề sở hữu, của ai người ấy giữ, nếu anh giải quyết được cái gốc sở hữu đó thì mới giải quyết được, còn vẫn còn là của chung, thì người ta sẽ tìm mọi cách để người ta chụp giật mà thôi.”

‘Lá nho cuối cùng’ và việc tiếp tục trò ‘bắt chuột’

Nhìn vào tình trạng của tham nhũng tại Việt Nam tới giai đoạn hiện nay, nhất là những vụ việc vừa xảy ra mà đang được truyền thông chính thống Việt Nam tuần này đưa tin xét xử như vụ án thuộc ngành y tế ở Bệnh viện Tim Hà Nội, hay đưa tin hoàn thành cáo trạng với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao như với vụ những “chuyến bay giải cứu”, bênh cạnh nhiều diễn biến, vụ việc khác được công chúng quan tâm, ông Phạm Viết Đào nhận xét:

“Tôi cho rằng đây là một sự buông tuồng và sa đọa đến cùng kiệt của bộ máy hành chính nhà nước, và trong giai đoạn này, những vụ việc liên quan đến sức khỏe con người mà họ dám vi phạm trắng trợ đến thế, tôi nghĩ rằng không còn cái gì có thể che giấu được nữa.

Đó là ‘cái lá nho’ cuối cùng của cơ chế thị trường định hướng XHCN đã xấu xa quá, bây giờ ý kiến của tôi là trước một hiện tượng mà sa đọa như thế, nhà nước muốn giải quyết được vấn đề thì như thế nào?”

Và ông Phạm Viết Đào, người từng là chuyên viên cấp cao tại một Vụ thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước kia của Việt Nam, trước khi làm Thanh tra thuộc Bộ này, đưa ra một hình ảnh so sánh mang tính phúng dụ, ví von, để nhấn mạnh việc Đảng và nhà cầm quyền tại Việt Nam nếu không thay đổi nhận thức và phương pháp luận tiếp cận vấn đề, mà vẫn với cách làm như cũ, sẽ không thể giải quyết thành công, ông nói:

“Nếu cứ tiếp tục đi bắt chuột như thế thì không bao giờ cho hết được. Vấn đề là phải bắt đầu từ cơ chế, cơ chế giải quyết hiện nay đang mâu thuẫn, một mình Đảng Cộng sản hay một mình nhà nước không thể giải quyết được vấn đề.

Mà vấn đề là phải ở dân, bất cứ vấn đề gì cũng phải ở dân giải quyết, mà họ vào cuộc thì mới giải quyết được triệt để. Hiện nay người dân không vào cuộc được.

Hiện nay chống tham nhũng do Đảng, Nhà nước làm, nó có vấn đề lợi ích phe nhóm, sẽ có những phe nhóm không may và có những phe nhóm gặp may.

Giải quyết vấn đề là còn phải giải quyết cái gốc sở hữu, tức là của thì ai người ấy bảo vệ, người ấy giữ, như thế thì người ta mới bảo vệ được, chứ còn cứ ‘cha chung không ai khóc’, của chung, ai có cơ hội, người ta sẽ chôm chỉa vào, người ta sẽ chen vào bằng được, và người ta che đậy nhau.

“Vậy nên vấn đề cái gốc của nhà nước xã hội chủ nghĩa vốn nằm ở chỗ ‘cha chung’ đó mà còn, thì không thể giải quyết được”.

2013-10-21T120000Z_1875021022_GM1E9AL153A01_RTRMADP_3_VIETNAM.JPG
Ông Phạm Bình Minh và Nguyễn Đức Chung trong tấm hình chụp năm 2013. Ảnh: Reuters

Thiếu tính chuyên nghiệp và ‘hy sinh đời bố, củng cố đời con’

Bình luận về việc tại sao chiến dịch ‘đốt lò’ lâu nay được Đảng Cộng sản, chính quyền, Nhà nước Việt Nam tuyên truyền rầm rộ xử lý nghiêm, không có vùng cấm v.v…, mà vẫn xảy ra những vụ ‘đại án’, mà trong đó một số người bị cáo buộc là nhận hối lộ tới hàng chục, hàng trăm lần lên tới nhiều tỷ, chục tỷ đồng tại Việt Nam, trả lời câu hỏi liệu những người đó, nếu các cáo buộc là có căn cứ, thực hiện các hành vi phạm pháp là do liều lĩnh, hay vì có ô dù bao che nên không cảm thấy run sợ, ông Phạm Viết Đào nói:

“Vấn đề theo tôi là nhiều chính khách, quan chức của Việt Nam không phải là những người chuyên nghiệp, họ chỉ do Đảng đào tạo, đôn lên mà thôi, thành ra khi họ nhìn thấy các cơ hội, là họ bập vào, họ ‘chén’.

Tôi lấy ví dụ các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, họ biết trong thể thao, muốn vào sân thi đấu thì phải thế nào, không phải cứ ăn uống bừa bãi, bạ chỗ nào cũng ăn, cũng nhậu, cũng chén, đến thể thao bóng đá còn như thế, còn với các chính khách quan chức thì phải chuyên nghiệp đến thế nào?

Do thiếu chuyên nghiệp, họ nghĩ rằng người kia ăn được, thì mình cũng ăn được, và họ chụp giật. Mang tiếng là xử như thế thôi, chứ theo tôi người ta tha vẫn nhiều, và tội vẫn thoát. Còn một vấn đề nữa, đó là người ta cho rằng ‘hy sinh đời bố, củng cố đời con’.

Thành ra, nếu có bị dăm ba năm tù, thì cũng chẳng có ý nghĩa gì, khi kiếm được mấy tỷ thì họ vẫn có lãi. Bây giờ tham nhũng người ta tính rồi, nếu giá trị là một chục tỷ VNĐ, có đi tù 10 năm, thì vẫn có lợi.

Bởi vì người ta vào tù dăm năm, là người ta lại ra, và người ta vẫn có một chục tỷ, mà nhiều vụ khác tham nhũng còn nhiều hơn thế nhiều, thế thì đó là người ta tính theo cơ chế thị trường, rồi khi ra tù rồi, người ta vẫn có cách để sống, không đến nỗi khó khăn lắm đâu, riêng tù về kinh tế, người ta vẫn có cách để người ta lọt lưới.”

Bình luận về vấn đề thu hồi tiền bạc, tài sản do tham ô, tham nhũng, tiêu cực để bù đắp cho công quỹ nhà nước, ông Phạm Viết Đào nói:

“Trong vấn đề này, có một số thông tin cần kiểm chứng thêm, cho rằng có những trường hợp người ta biết là có tham nhũng, thì cơ quan chức năng dọa những người đó, để những anh đó biết thì hãy ‘chạy tội trước đi’.

Hiện tượng này trong thực tế có rất nhiều và người ta hiểu đó là sự ‘làm luật’, người ta điều chỉnh các khoản ăn chia, cho nên hiện nay, người ta nói là có thu hồi, nhưng cái đó cũng là hình thức thôi.

Và rất khó có bằng chứng, nhưng mà người ta cho rằng việc tuyên bố là phát hiện, rồi thu hồi, sung nạp công quỹ là nói để an dân thôi, chứ nhiều trường hợp thu hồi làm sao được nữa, mấy mấy trăm tỷ đồng chẳng hạn, người ta cho là lãng phí, thì chẳng làm thế nào thu hồi được.

Nhiều vụ nói thu hồi một hay hai phần trăm, thì cái đó chỉ là hình thức, trong luật thì cũng có quy định hễ anh nộp lại một ít, thì cũng đã được giảm án tùy theo mức đó rồi. Luật áp dụng lại không được nghiêm nữa, thì lại càng nhập nhèm.”

Giật gấu vá vai, thiếu rường cột nhà sao xây được?

Cựu quan chức thuộc Bộ Văn hóa, Du lịch và Thể thao trước đây của Việt Nam bình luận thêm về điều mà ông cho là hạn chế về phương pháp luận và tầm nhận thức trong chống tham nhũng kinh tài qua chiến dịch ‘đốt lò’ đang diễn ra, thế nhưng trước tiên ông lại dẫn một tích cổ để ví von về khía cạnh chống tham nhũng còn bao hàm cả chống ‘tham nhũng về quyền lực’ vốn có thể liên quan không chỉ cá nhân, nhóm, mà còn tới cấp độ tập thể nữa, ông Phạm Viết Đào nói:

“Ngày xưa, trong sử của Trung Quốc có chuyện ông bố của Lã Bất Vi nói với ông này nói rằng buôn gạo không lãi bằng buôn vải, buôn vải không lãi bằng buôn vàng, và buôn vàng không lãi bằng buôn vua. Thì tham nhũng quyền lực chính là buôn vua đấy.

Còn theo tôi, vấn đề chống tham nhũng kinh tài không phải là để lấy danh cho một ông lãnh đạo A, hay B, hay là C nào đấy, mà vấn đề là phải thúc đẩy cho cơ chế xã hội, rồi nền kinh tế lành mạnh.

Chứ còn bây giờ để ông ta lấy thành tích thì ông đi bắt ông Tá nọ, ông Tướng kia, rồi mấy kẻ tham nhũng đó, nó chẳng giải quyết được cái gì.

Vấn đề bây giờ là một nhà nước, một thể chế mà như một cái nhà, anh tạo ra được những cái rường cột, cái nhà nó mới vững.

Chứ hiện nay anh chống tham nhũng kiểu thế này, thì anh chỉ có giật gấu, vá vai, lặt vặt, không giải quyết vấn đề gì.

Do đó phải là vấn đề gốc về cơ chế, mà cái đó thì hoặc là họ chưa đủ trình độ nhận thức được hết, hoặc chưa đủ khả năng giải quyết, và nay họ vẫn lập lờ cái đó. Và chính tôi có nghe và biết được một chuyện là đã có một cựu quan chức cao cấp trong Quốc hội Việt Nam mấy nhiệm kỳ trước có nói về vấn đề ‘lỗi hệ thống’ đó, nhưng nghe nói, sau này có thể có áp lực thế nào đó, mà cần kiểm chứng thêm, nên ông đã thôi đi.”

“Chống còn hơn là không chống, nhưng làm thì thế nào mới là quan trọng”

Nhìn lại các chiến dịch chống tham nhũng do Đảng Cộng sản và chính quyền tại Việt Nam tiến hành vài thập niên trở lại, ông Phạm Viết Đào nhận xét:

“Tất nhiên là chống tham nhũng còn hơn là không chống, có người bảo nếu không chống thì còn tệ hơn.

Thế nhưng để giải quyết tận gốc vấn đề, thì ở đây muốn nói đến một chế độ lành mạnh, một cơ chế để cho người ta phát triển, chứ không phải chống tham nhũng để cho danh phận của một ông A, ông B, hay ông C nào đấy.

Cách đó, theo tôi là chống tham nhũng chưa đạt, mới giải quyết thế này thôi, còn tận gốc như thế kia, thì chưa có ông nào dám đụng đến.

Bởi vì động đến bên Đảng, là động đến cả một hệ thống quyền lực mà đã ăn sâu trở thành quán tính, mà do bản năng con người là về quyền lợi, cho nên những đường dây quyền lực đó, mà họ đang nắm, thì họ không tự nhiên từ bỏ được, họ thôi làm sao mà được?

Ở Việt Nam, chuyện chống tham nhũng này về lý thuyết người ta nói đảng lãnh đạo là đúng, nhưng thực ra, như tôi nói chỉ khi nào người dân tham gia được, thì mới có thể giải quyết tận gốc.

Bây giờ ở Việt Nam, người dân nào mà có quyền chống tham nhũng? Mà bây giờ Đảng và Nhà nước tự chống, thế nhưng nếu hỏi ai tham nhũng, thì lại thấy chỉ có quan chức trong hệ thống Đảng, chính quyền, như là trong chính phủ có tham nhũng, thử hỏi như trường hợp chính phủ tự chống tham nhũng thì chống thế nào được?”

Theo quan sát của ông Phạm Viết Đào, tại Việt Nam, Đảng cộng sản cầm quyền cũng đã huy động bộ máy của mình để tiến hành chống tham nhũng trong bộ máy Nhà nước do Đảng lãnh đạo, ông nói thêm:

“Để trị bên chính phủ mà có vấn đề tham nhũng, thì chỉ có Đảng lãnh đạo mới trị được vấn đề đó bên chính phủ, bởi vì ông chính phủ làm sao tự chống?

Do đó, các tổ chức như Ban Kiểm tra, Ban Nội chính Trung ương, rồi sau đó chỉ đạo cho Bộ Công an vào cuộc, tuy nhiên đó cũng vẫn là Đảng tự chống tham nhũng trong chính quyền do Đảng lãnh đạo mà thôi.

Nhân đây, tôi chia sẻ thêm một việc mà có lẽ cần kiểm chứng thêm, có thể có liên quan tới vai trò của Bộ này, đó là tôi nghe được rằng vụ Việt Á, bộ que thử, xét nghiệm COVID-19, bị phát hiện chính là do bên Bộ Công an…

Các ông kia, bà nọ đã dại dột khi ăn vào chỗ này, là chỗ có nhiều con cháu của cán bộ trong ngành Công an, thì họ mới ‘điên lên’, họ trị cho. Bởi vì chỉ có con em quan chức ngành này mà có nhiều tiền, mới có thể được cho đi học ở nước ngoài nhiều, mà cái vé lên tới bảy, tám chục triệu đồng, thì họ điên lên, họ đưa ra. Thế còn nhiều vụ khác thì chìm xuồng vì không phải đụng vào chỗ như thế.

Cụ thể chi tiết tôi không nắm được nhưng tôi nghe được là chính nhiều con em ngành Công an phải trả giá vé đắt trong mấy vụ giải cứu vừa rồi, họ mới bức xúc và quay lại lên tiếng, và người ta đã gây áp lực với những người gây ra vụ “chuyến bay giải cứu” đó.

Còn vụ mà liên quan đến que thử Việt Á, mà nhất là có dính đến yếu tố Trung Quốc, nó trở nên quá lộ liễu, trắng trợn, nên người dân người ta không thể chịu được," cựu quan chức từng nắm cương vụ Trưởng phòng Thanh tra hành chính và phòng chống tham nhũng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Việt Nam trước đây, nêu quan điểm riêng, từ góc độ cá nhân từ Việt Nam.

“Đẩy nhanh tiến độ, đạt nhiều kết quả”

Chiến dịch “Đốt lò” chống tham nhũng do Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam thúc đẩy trong giai đoạn gần đây được cho là tiếp tục được đẩy mạnh trong quý đầu năm 2023 và có thể sẽ tiếp tục đà trong phần còn lại của năm.

Một bài báo vào hạ tuần tháng trước, với tựa đề “Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực” đăng trên trang điện tử của báo Nhân dân, cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, trích dẫn thông tin từ một phiên họp giao ban quý I năm 2023 của Ban Nội chính Trung ương của Đảng này, cho hay:

"Xác định công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo chuyển biến rõ nét, khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", các Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã chỉ đạo rà soát, quyết định đưa 327 vụ án, 179 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Các tỉnh có nhiều vụ án, vụ việc đưa vào diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo là: Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bắc Giang, Đồng Nai… Quý I năm 2023, các địa phương trong cả nước đã khởi tố mới 512 vụ án/1.283 bị can phạm tội về tham nhũng; số vụ án có cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tiêu cực là 225 vụ án/835 bị can...”

Về nhiệm vụ cho tới cả năm của Ban Nội chính Trung ương, bài viết của báo Nhân dân hôm 31/03/2023, cho biết thêm chi tiết về kế hoạch của Ban:

“Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương giao tỉnh ủy chỉ đạo, xử lý và các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Trong đó, tập trung chỉ đạo, phối hợp kiểm tra, thanh tra, điều tra xử lý dứt điểm các vụ, việc liên quan đến Việt Á, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm, y tế, giáo dục...; các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để chuẩn bị tốt cho việc lấy phiếu tín nhiệm, kiểm điểm giữa nhiệm kỳ, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới.”

Trước đó, một bài báo khác trên tờ Quân Đội Nhân Dân online đưa tin về Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư ĐCS ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì hôm 12/01/2023 tại Hà Nội, cho biết:

“Trong năm 2022, đã thi hành kỷ luật 539 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm trước); cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII) đối với 5 đồng chí; cho thôi giữ chức vụ đối với 2 Phó thủ tướng Chính phủ, 3 Thứ trưởng và tương đương, 1 Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV); các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm 3 Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo chủ trương sắp xếp, bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật, uy tín giảm sút.

Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi 82.560 tỷ đồng và 883 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 3.530 tập thể và 8.619 cá nhân…

Trong năm 2022, trên cả nước đã khởi tố mới 493 vụ/1.123 bị can về tội tham nhũng (tăng 163 vụ/328 bị can so với năm 2021)…

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản trị giá trên 364.000 tỷ đồng (tăng hơn 10 lần so với năm 2021); cơ quan thi hành án dân sự thu hồi được 27.400 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần so với năm 2021)," báo Quân đội Nhân dân, cơ quan của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng Việt Nam, hôm 12/01 cho biết.