Xuất khẩu gỗ Việt Nam tăng trong 7 tháng đầu năm

Ngành chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay đạt kim ngạch 4 tỷ 8 trăm triệu đô la Mỹ, tăng hơn 13 phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiệp Hội Gỗ & Lâm sản Việt Nam cho biết như vừa nêu vào ngày 6 tháng 8. Ngoài ra, chỉ tiêu của ngành này tại Việt Nam đề ra cho năm năm nay là 9 tỷ đô la Mỹ, so với kim ngạch thực hiện được trong năm ngoái là 8 tỷ đô la Mỹ. Trong khi đó nhu cầu gỗ và sản phẩm gỗ toàn cầu được nói trên 120 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

Những thị trường cho các sản phẩm gỗ và lâm sản chế biến của Việt Nam hiện nay gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Liên Minh Châu Âu- EU.

Tại Việt Nam hiện có gần 4 ngàn doanh nghiệp chế biến gỗ, và đa phần được thống kê nằm tại khu vực miền nam. Trong số này có chừng 1500 doanh nghiệp chuyên chế biến các mặt hàng gỗ xuất khẩu.

Tin cho biết vào ngày 8 tháng 8 tới đây, thủ tướng chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc, lần đầu tiên có cuộc gặp và đối thoại với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ của Việt Nam.

Cuộc gặp sẽ diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh với kỳ vọng tháo gỡ những vướng mắc mà ngành này phải đối mặt trong thời gian qua.

Hiệp Hội Gỗ & Lâm Sản Việt Nam nói rằng ngành này tại Việt Nam phát triển trong những năm qua có nhờ nguyên nhân diện tích rừng trồng trong cả nước tăng. Tỉ lệ sử dụng gỗ rừng trồng tại Việt Nam tăng 36% vào năm 2015 lên 52% vào năm ngoái. Dự kiến đến năm 2020, tỷ lệ này sẽ tăng đến 55%. Tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu gỗ được phía Việt Nam thống kê đã giảm từ 64% xuống còn 45% hiện nay.

Vừa qua, tổ chức điều tra về môi trường EIA có trụ sở chính tại Anh, vào tháng 5 vừa qua ra phúc trình nói rõ tình trạng gỗ lậu khai thác từ Campuchia rồi xuất sang Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong những tháng trước khi phúc trình được công bố.

Theo đó thì giới chức Campuchia và phía Việt Nam thông đồng, nhận hối lộ để chừng 300 ngàn mét khối gỗ được xuất lậu từ Xứ Chùa Tháp sang Việt Nam kể từ tháng 11 năm 2017.