Việt Nam, nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, tái khẳng định sẽ đạt được mục tiêu GDP năm 2022 tăng 6,5%, mặc dù mức độ tăng trưởng trong quý I chậm hơn dự kiến do vẫn bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Mạng Bloomberg loan hôm 29/3 dẫn nhận định của ông Lê Trung Hiếu, trưởng bộ phận GDP của Văn phòng Thống kê quốc gia Việt Nam.
Ông Hiếu cho rằng, tổng sản phẩm quốc nội sẽ tăng 6% lên 6,5% vào năm 2022 khi sản xuất sẽ là động lực chính để phát triển, theo đó kéo theo du lịch, xây dựng và các ngành công nghiệp khác dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi.
Ông Hiếu khẳng định điều đó trong bối cảnh GDP trong ba tháng tính đến tháng 3/2022 của Việt Nam tăng trưởng với tốc độ chậm hơn dự kiến 5,03% so với một năm trước đó. Tuy vậy, theo ông Hiếu, hoạt động kinh tế sẽ phát triển trong ba phần tư còn lại của năm tài chính, nhờ mức độ tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 tăng đáng kể. Ông Hiếu nói thêm rằng, trường hợp tốt nhất là tăng trưởng sẽ chạm mức 6,5% nếu xung đột Nga-Ukraine được giải quyết.
Khoon Goh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về Châu Á tại Tập đoàn Ngân hàng Australia & New Zealand tại Singapore, cho biết: “Nền kinh tế Việt Nam đã bị gián đoạn nghiêm trọng vào năm ngoái bởi đại dịch, nhưng đã bắt đầu bình thường hóa.
Bloomberg dẫn nhận định của Khoon Goh rằng: "Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn kể từ quý thứ hai."
Quốc hội VN vào tháng 1 đã thông qua gói kích cầu trị giá khoảng 347 nghìn tỷ đồng (15,2 tỷ đô la) để đưa nền kinh tế vượt qua sự gián đoạn của COVID-19 và đưa tăng trưởng trở lại 6% đến 6,5% trong năm nay.
Văn phòng thống kê cho biết giá tiêu dùng đã tăng 2,41% trong tháng 3 so với một năm trước đó, so với mục tiêu của chính phủ là giới hạn lạm phát trung bình ở mức 4% trong năm nay.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá thuộc Tổng cục Thống kê, cho biết: “Áp lực lạm phát đang gia tăng bởi giá dầu tăng cao đã khiến chi phí trong nhiều lĩnh vực và ngành nghề tăng theo”.
Bà Oanh cho biết: “Đại dịch COVID-19 và giá thức ăn chăn nuôi tăng đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, vốn chiếm 10,9% GDP trong quý này”.
Tuy vậy, theo bà Oanh, mặt bằng giá trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm khá lớn.