Việt Nam dự kiến tăng thuế đối với các tập đoàn đa quốc gia

Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ thông qua nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu đối với các tập đoàn đa quốc gia đầu tư tại nước này. Mức thuế 15% sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2024.

Reuters loan tin ngày 27/11. Theo đó ban đầu Việt Nam có kế hoạch kết hợp thông qua mức thuế vừa nêu với những biện pháp nhằm hỗ trợ cho những nhà đầu tư lớn bị tác động bởi mức thuế này như Samsung, Intel; tuy vậy một nghị quyết riêng như thế không có trong nghị trình của kỳ họp đang diễn ra ở Hà Nội.

Tổ chức Hợp tác & Phát triển Kinh tế (OECD) phản đối kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư đi ngược lại tinh thần thỏa ước toàn cầu trong lĩnh vực thuế.

Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu cho phép các quốc gia đánh thuế lợi nhuận từ hàng hóa, dịch vụ của các tập đoàn đa quốc gia với doanh thu hơn 20 tỷ USD/năm và có tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tổng doanh thu từ 10% trở lên.

Với quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, một tập đoàn, công ty đa quốc gia sẽ bị đánh thuế 15% đối với các khoản lợi nhuận tạo ra tại các nước (có thuế suất bằng 0% hoặc thuế suất thấp thông qua cơ chế đánh thuế bổ sung, từ chối khấu trừ thuế hoặc thuế khấu trừ tại nguồn) với mức thuế suất hiệu dụng (effective tax rate) tối thiểu.

Việt Nam định thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 20%; tuy nhiên để thu hút đầu tư nước ngoài, mức này có thể chỉ là 5% và thời gian ân hạn được kéo dài cho “trường hợp đặc biệt”. Đơn cử Samsung trong năm 2019 chỉ đóng 5,1% tại một tỉnh thôi.

Thống kê cho thấy, với mức thuế mới, chi phí thuế của 122 công ty nước ngoài đầu tư tại Việt Nam tăng đáng kể. Phía Nhà nước Việt Nam sẽ thu thêm hơn 601 triệu USD tiền thuế mỗi năm.