Việt Nam sắp xây băng tải vận chuyển than đá từ Lào để đảm bảo an ninh năng lượng

Một dự án băng tải than đá dài hơn sáu km từ biên giới Việt Nam - Lào về nội địa với khả năng vận chuyển 30 triệu tấn than đá/năm vừa được chính quyền tỉnh Quảng Trị phê duyệt chủ trương đầu tư.

Truyền thông Nhà nước cho biết, vào ngày 1/7, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị cho hay Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng vừa ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư với dự án xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam.

Dự án được nói là để khắc phục hạn chế về đường bộ chật hẹp, xuống cấp.

Mục đích của dự án là để đảm bảo an ninh năng lượng đến năm 2030, đáp ứng nhu cầu than trong nước, đồng thời giảm áp lực thông quan hàng hóa lên cửa khẩu quốc tế La Lay và quốc lộ 15D, theo truyền thông trong nước.

Dự án có tổng mức đầu tư là gần 1.500 tỷ đồng với diện tích là hơn 23 ha. Dự án được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 được thực hiện trong năm 2024, giai đoạn hai từ năm 2030.

Theo truyền thông Nhà nước, mỗi ngày, cửa khẩu quốc tế La Lay tiếp nhận khoảng 4.000 tấn than, những ngày cao điểm, không ùn tắc giao thông có thể lên đến 12.000 tấn than với 400 - 450 xe và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Trong năm 2023, tỉnh Quảng Trị đã nhập 2,2 triệu tấn than đá từ Lào.

Ngoài dự án này, nhà đầu tư cũng đề nghị tỉnh Quảng Trị cho xây dựng thêm hai hệ thống băng tải nhập khẩu than từ Lào khác về Việt Nam. Ba dự án được nói có độ dài 160 km đưa than đá từ mỏ than về cảng biển Việt Nam, xuất đi các tỉnh thành và các nước.

Hiện nhiệt điện than của Việt Nam chiếm khoảng 60% tổng sản lượng điện cả nước. Các tỉnh miền Bắc Việt Nam trong hai năm qua liên tục đối mặt với khó khăn về thiếu điện do các nhà máy thủy điện thiếu nước, gây lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam đã gia tăng việc nhập khẩu than từ các nước để đáp ứng nhu cầu sản xuất điện của các nhà máy điện than.

Tuy nhiên, trong hội nghị về biến đổi khí hậu tại Glasgow, COP26 năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết đến năm 2040 Việt Nam sẽ đưa mức thải ròng về 0. Điều này có nghĩa là Việt Nam phải giảm sự lệ thuộc vào nhiên liệu than và chuyển sang các nhiên liệu thân thiện với môi trường.

Việt Nam cũng đã đưa ra cam kết từng bước từ bỏ điện than, không xây dựng hoặc đầu tư nhà máy phát điện mới.

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam tới năm 2030 sẽ không phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện than mới ngoài những dự án đã được phê duyệt, hạn chế tối đa phát triển thêm nhà máy mới tới năm 2045 và từng bước loại bỏ những nhà máy đã vận hành nhiều năm, công nghệ lạc hậu.