Bộ Công thương Việt Nam vừa ban hành quyết định tạm dừng thẩm định cấp phép xây dựng nhà máy điện gió ở Việt Nam và đang soạn thảo kế hoạch mới cho Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, giai đoạn 2011-2020, xem xét đến năm 2030 (gọi là Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh).
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, hôm 9/10, cho biết Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, vào ngày 5/10, đã ký văn bản gửi đến các địa phương để thông báo nội dung vừa nêu.
Tin cho biết Việt Nam hiện có 11 nhà máy điện gió đang vận hành, với tổng công suất là 429 MW. Và đến năm 2025, tổng công suất điện gió ước đạt 11.8 GW.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong hai năm vừa qua, một loạt các nhà đầu tư gửi hồ sơ đến Bộ Công thương xin cấp phép xây dựng nhà máy điện gió với tổng công suất 50 GW.
Bộ Công thương cho biết chính sách thuế ưu đãi vẫn được áp dụng cho các dự án điện gió bắt đầu phát điện muộn nhất vào cuối tháng 10/2021 và sẽ đề xuất giữ nguyên mức thuế ưu đãi đến năm 2023 vì thông thường các nhà máy điện gió mất 2 đến 3 năm để vận hành. Tuy nhiên, EVN cảnh báo rằng việc gia hạn như thế có thể dẫn đến tình trạng lưới điện quốc gia bị quá tải.
Hiện tại Việt Nam đã cấp phép xây dựng một số dự án nhà máy sản xuất điện với tổng công suất 80 GW trong vòng một thập niên tới. Trong đó, các nhà máy điện gió và điện mặt trời đóng góp công suất lên đến 30 GW.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, trong cùng ngày 9/10 cũng loan tin Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ 186 triệu USD cho Việt Nam để xây dựng và vận hành điện mặt trời tại Phú Yên.
Khoản vay này được cho biết vừa được ký kết trong cùng ngày 9/10 và là khoản vay được chứng nhận xanh đầu tiên của Việt Nam.
Tin cho biết đây là một trong những dự án nhà máy điện mặt trời lớn nhất Việt Nam, có công suất 257 MW và hướng đến giảm sự phụ thuộc vào than đá với dầu diesel.
Dự án này được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng ở các tỉnh miền Trung, đồng thời giảm khoảng 123 ngàn tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm.