Bốn tháng đầu năm: Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung đạt mức kỷ lục

Trong bốn tháng đầu năm nay, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đã lên tới mức kỷ lục là17,6 tỷ USD. Đây là mức thâm hụt cao nhất trong vòng ba năm qua. Báo Nhà nước Việt Nam đưa tin ngày 19/5.

Tin trích nguồn Tổng cục Hải quan Việt Nam cho hay con số thâm hụt thương mại nói trên của Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2021 đã tăng hơn 75% so với cùng kỳ năm 2020 và hơn 665% so với cùng kỳ năm 2019.

Xét về tổng kim ngạch nhập khẩu, trong bốn tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng mạnh, đạt 33,9 tỷ USD, tăng hơn 11 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và hơn 20 tỷ USD so với năm 2019. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 16 tỷ USD.

Cũng theo thống kê của Tổng cục Hải quan, máy móc, thiết bị và phụ tùng là các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc, với kim ngạch đạt 7,45 tỷ USD, tăng gần ba tỷ USD so với năm trước. Đứng thứ hai là máy vi tính, linh kiện với kim ngạch hơn 6,3 tỷ USD, tăng gần ba tỷ USD so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, nguyên liệu dệt may và dày dép đã tăng trưởng mạnh trong số các nguyên phụ liệu nhập khẩu, sử dụng cho sản xuất trong nước. Kim ngạch nhập khẩu sợi từ Trung Quốc lên tới 2,68 tỷ USD, tăng 680 triệu USD, trong khi đó kim ngạch nguyên liệu may mặc và da đạt một tỷ USD, tăng hơn 300 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Theo giới chuyên môn, mức tăng các loại nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may, da giày cho thấy đà hồi phục của các doanh nghiệp dệt may, da giày sau những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu lớn cũng cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nặng nề của Việt Nam vào nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc.

Việc Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc trong việc nhập khẩu các sản phẩm máy vi tính, linh kiện và điện thoại, chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch nhập khẩu, cũng được giải thích là vì hầu hết các tập đoàn lớn có mặt tại Việt Nam như Samsung, LG, Panasonic hay Foxconn đều có nhà máy sản xuất nguyên liệu, linh kiện cỡ lớn tại Trung Quốc.