Giữa lúc xung đột Nga-Ukraine đang leo thang, các chuyên gia nhận định Việt Nam có thể bị ảnh hưởng đáng kể đặc biệt trong các lĩnh vực lưu thông hàng hoá, thanh toán hợp đồng thương mại và các công ty có dự án chung với Nga, Ukraine, Belarus cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Đó là thông tin trong bài viết được đăng tải trên tờ Fibre2fashion.com vào ngày 17/3.
Cũng theo Fibre2fashion, hiện hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang Nga chiếm 10,5%.
Tờ này trích dẫn ý kiến của Vụ Thị trường Châu Âu-Châu Mỹ của Bộ Công thương Việt Nam rằng, cả Nga và Ukraine đều là những đối tác thương mại truyền thống và quan trọng của Việt Nam trong khu vực Á-Âu. Xét về kim ngạch thương mại, Nga đứng ở vị trí thứ nhất và Ukraine xếp thứ sáu. Do đó, nếu xung đột Nga-Ukraine kéo dài sẽ chắc chắn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại song phương giữa VN và hai nước trên.
Vụ Thị trường xác nhận trong ngắn hạn, khủng hoảng sẽ ảnh hưởng đến hàng hóa, cung cầu, giá cả và xung đột là một trong những nguyên nhân chính làm tăng giá một số loại nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng.
Về việc thanh toán các hợp đồng thương mại đối với Nga, liên tiếp thời gian qua Hoa Kỳ và các nước phương Tây đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm vào hệ thống tài chính ngân hàng của Nga. Điều này trước mắt sẽ ảnh hưởng đến việc thanh toán nhiều hợp đồng sử dụng đồng đô la Mỹ làm đồng tiền thanh toán.
Ngoài ra, do tỷ giá đồng rúp có nhiều biến động nên một số nhà nhập khẩu Nga đã đề nghị tạm dừng thanh toán từ hai đến ba tuần để chờ tình hình ổn định.
Bên cạnh đó, một số hãng tàu đã từ chối nhận đơn hàng vận chuyển từ Việt Nam sang Nga. Giá cước vận chuyển sẽ tiếp tục tăng cao cùng với sự chậm trễ trong vận chuyển sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại hàng hóa.
Cùng với đó, do lệnh cấm vận hàng không, các hãng hàng không sẽ phải chọn đường bay dài hơn, gây tăng chi phí và áp lực lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng còn quá sớm để đánh giá tác động trung và dài hạn của cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với quan hệ thương mại với Việt Nam.
Việt Nam sẽ phải làm gì để giảm thiểu tác động xấu và ổn định sản xuất và xuất khẩu hàng hoá sang Nga trong thời gian đến, đại diện Bộ Công thương trả lời trên tờ Lao Động rằng Bộ đã có văn bản khuyến nghị các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu lưu ý áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các ưu đãi trong 15 Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước để đa dạng hóa thị trường.