Hợp tác đối tác giữa Anh quốc và Việt Nam đạt tầm mức “quan trọng” trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, an ninh, quốc phòng, môi trường, năng lượng cho đến đối thoại nhân quyền, theo một nhà quan sát là thành viên nghiên cứu người Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London.
"Trong khuôn khổ hợp tác song phương với tầm mức đối tác chiến lược, có nhiều mặt quan trọng mà hai bên đã xác định để hợp tác. Trước hết về mặt kinh tế, hai nước đã có những thỏa thuận vững chắc, ví dụ như hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Anh quốc, rồi Anh quốc đang chuẩn bị tham gia khối CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), trong đó Việt Nam cũng là thành viên ở khu vực này, khối này là một khối rất quan trọng," Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 04/5/2023, nhân chuyến công du tới châu Âu chính thức đầu tiên trên cương vị mới của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đến Anh quốc (từ ngày 04-06/5/2023), dự lễ đăng quang của nhà Vua Anh Charles III vào thứ bảy tuần này.
“Anh quốc đóng nhiều vai trò quan trọng, từ hợp tác kinh tế đến hợp tác khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu, đặc biệt năm trước, Việt Nam đã ký vào thỏa thuận COP26, và Anh quốc đã có những cam kết rất tích cực để hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển đổi xanh, và những cam kết đó đến nay đang được triển khai một cách cụ thể với những dự án, chẳng hạn dự án về điện gió, dự án về tìm hiểu và nghiên cứu lại các vấn đề về năng lượng của Việt Nam, một vấn đề rất quan trọng.
Còn thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển. Gần đây, đường bay trực tiếp từ Việt Nam đi London đã được triển khai và có hiệu quả tốt cho cả hai phía, đó là về kinh tế. Còn về chính trị, trên tầm mức đối tác chiến lược, hai nước có các đối thoại hàng năm về chính trị, đối thoại về an ninh quốc phòng, đối thoại về nhân quyền, đó là những đối thoại và chia sẻ rất quan trọng mà năm nào cũng có.
Ngoài ra, về mặt an ninh, hai bên có những thỏa thuận rất quan trọng về mặt hợp tác tư pháp, và tới đây có thể mở rộng thêm những mặt hợp tác chia sẻ thông tin mà Anh quốc cũng có những cam kết hỗ trợ Việt Nam trong phát triển và xây dựng các hệ thống, để đảm bảo cho việc tạo ra sự an toàn và an ninh cho hệ thống mạng máy tính và lĩnh vực về tác chiến trong không gian mạng. Đấy là một trong những điểm được nhấn mạnh.
Trong hợp tác quốc phòng, tới đây tin tưởng hai phía sẽ có những bàn bạc để làm sâu hơn những hợp tác về quốc phòng, đặc biệt trong bối cảnh này, Anh quốc đã cùng với Úc và Mỹ đã mở ra một khối an ninh mới là khối ba nước có tên gọi AUKUS, mà thực sự có vai trò quan trọng ngay từ bây giờ trong việc gìn giữ sự ổn định cũng như an ninh trong khu vực mở rộng, trong đó có những tác động tích cực đến an ninh và đảm bảo về mặt hàng hải, cũng như an ninh hàng hải cho khu vực mà Việt Nam ở trong đó, tức là ở khu vực Đông Nam Á và Biển Đông.”
Đặc biệt, theo nhà quan sát và phân tích chính trị và bang giao quốc tế này, Anh quốc đã có một chính sách đã được thay đổi trong khu vực mà Việt Nam có nhiều quan tâm mà có tính bổ trợ cho quan hệ hợp tác song phương, TS. Hà Hoàng Hợp nói:
“Đó là Anh quốc hướng về khối Indo-Pacific (Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương) và Anh quốc đã có những thỏa thuận hợp tác rất quan trọng với các nước ở trong khu vực này, ở Đông Bắc Á cũng như ở Đông Nam Á, trong đó ở Đông Bắc Á có những hợp tác rất tốt đặc biệt là về an ninh, quốc phòng với Nhật Bản, với Đại Hàn Dân quốc, tất cả những điều đó là một sự bổ trợ lẫn nhau cho mối quan hệ song phương giữa hai nước.
Còn về những đối thoại về nhân quyền, hai nước hàng năm đều có những đối thoại như vậy và Anh quốc nêu những vấn đề đối thoại hết sức rõ ràng đối với Việt Nam và Việt Nam cũng có những đối thoại rất tích cực đối với Anh quốc, cùng với Anh quốc về các chủ đề về nhân quyền.”
Việt Nam và Anh quốc tổ chức các buổi đối thoại chiến lược theo định kỳ hàng năm, lần gần nhất là vào ngày 28/3/2022 tại Hà Nội, tuy nhiên các báo cáo do báo chí Nhà nước đưa ra thường không đề cập đến vấn đề nhân quyền.
Trong cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trước đó 20 ngày, Đại sứ Nhân quyền Toàn cầu của Vương quốc Anh, bà Rita French, đưa ra tuyên bố khẳng định:
"Ở Việt Nam, không gian dành cho xã hội dân sự và tự do ngôn luận, bao gồm cả trực tuyến, tiếp tục bị thu hẹp. Chúng tôi kêu gọi Việt Nam cho phép mọi người tự do bày tỏ quan điểm của mình và trả tự do cho những người bị cầm tù vì làm như vậy."
![000_33DL7ND.jpg](https://www.rfa.org/resizer/v2/5JHFAQYIM32CPVLAB5HDW2B75Q.jpg?auth=4baf4c17ba425ac03d702193401602a9b3d6d18c7f66d9cbd42eb5a5262b39bd&width=400&height=266)
“Không chỉ về nhà nước, còn hợp tác ở cấp doanh nghiệp, tư nhân”
Cũng hôm 04/5 từ Hà Nội, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh, một chuyên gia trong lĩnh vực ngoại thương có nhiều năm giảng dạy tại các đại học ở Việt Nam và từng có nhiều lần tới thăm Anh quốc từ trước, đưa ra bình luận từ góc nhìn của mình về quan hệ hợp tác Việt - Anh, bà nói:
“Chúng ta cũng biết thời gian vừa rồi có nhiều đoàn lãnh đạo của Việt Nam sang thăm nước Anh và cũng có nhiều thỏa thuận cả trên phương diện nhà nước cũng như tư nhân, ví dụ cách đây không lâu, có đoàn của ông Tô Lâm (Bộ trưởng Công an Việt Nam) đi thăm Anh và bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc) của VietJet Air đã ký một thỏa thuận tài trợ khá lớn cho một Đại học trong làng Đại học Oxford.
Chúng ta thấy rằng không chỉ trên phương diện nhà nước, mà ngay cả trên phương diện doanh nghiệp, Việt Nam cũng đã trở thành một đối tác tiềm năng và có thể đem lại nhiều lợi ích cho nước Anh, ngược lại về phía Việt Nam, như trong thỏa thuận của bà Phương Thảo đưa ra, mà bản thân tôi cũng khá tò mò muốn tìm hiểu tại sao bà lại có một quyết định tài trợ bất ngờ như thế, trong đó tôi cũng đã đọc thấy là bên phía công ty Vietjet của bà Phương Thảo khi tài trợ như vậy cũng mong mỏi bên phía Đại học Oxford sẽ trợ giúp trong việc giúp cho hãng hàng không này giảm thiểu phát thải chất carbon."
Hồi tháng 10/2021, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch tập đoàn SOVICO (công ty mẹ của Vietjet Air), ký biên bản ghi nhớ với Linacre College trực thuộc Đại học Oxford cam kết tài trợ 155 triệu bảng Anh.
Theo bản ghi nhớ này, Linacre College sẽ đổi tên thành Thao College sau khoản tiền đầu tiên trị giá 50 triệu bảng Anh được chi trả, tuy nhiên đến tháng 01/2023, khoản tiền này đã quá hạn 6 tháng nhưng vẫn chưa được chi ra, theo Telegraph - nhật báo quốc gia của Anh.
PGS. Nguyễn Hoàng Ánh nhận định cho rằng:
"Việt Nam rất quan tâm đến nước Anh với tư cách là một thị trường lớn và là một nền kinh tế hàng đầu trong khu vực châu Âu. Điểm thứ hai, nước Anh là nước nắm giữ được nhiều công nghệ nguồn và công nghệ cấp cao, và với một nền kinh tế đang phát triển với tốc độ khá nhanh như Việt Nam bây giờ, chắc chắn là việc có những đối tác nắm giữ những công nghệ cao như vậy sẽ là điều mà phía Việt Nam rất quan tâm.
Thứ ba nữa là những người làm giáo dục, hoặc các bậc phụ huynh chắc sẽ rất để ý, đó là nền giáo dục Anh quốc luôn luôn là điểm đến cho rất nhiều các du học sinh của Việt Nam và tỷ lệ các du học sinh của Việt Nam lựa chọn Anh quốc cũng chiếm một con số rất cao, mà chắc chỉ đứng sau tỷ lệ du học của du học sinh Việt Nam ở Mỹ.
Rõ ràng đó cũng là một mối quan tâm đối với phía Việt Nam và cũng là một nguồn thu lớn cho nước Anh, bởi vì chúng ta cũng biết rằng xuất khẩu giáo dục, kể cả xuất khẩu ra nước ngoài hay là xuất khẩu tại chỗ của nước Anh, cũng là một nguồn thu rất đáng kể...”
Mặc dù chuyến thăm của Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng được cho là có mục đích chính và lớn nhất nhắm vào việc dự lễ đăng quang của nhà Vua Anh Charles III, gặp gỡ nguyên thủ Anh quốc, nhưng ở bên lề, Chủ tịch Việt Nam và đoàn tháp tùng sẽ có một số hoạt động, tiếp xúc đối ngoại khác cũng không kém phần quan trọng, nhà phân tích thuộc viện IISS có trụ sở tại London, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nói:
“Đặc biệt còn có các gặp gỡ với nguyên thủ Nhật Bản, tức là Hoàng đế Nhật, Tổng thống Mỹ, rồi Tổng thống Pháp…, mặc dù thời gian ngắn, nhưng chắc chắn sẽ đạt được tầm mức tích cực và cụ thể nào đấy.”
“Một quan hệ hợp tác phù hợp tầm mức đối tác chiến lược”
Riêng với gặp gỡ với phía quan chức chính phủ Anh, mà theo lịch trình của đoàn Việt Nam trong chuyến thăm này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phái đoàn sẽ gặp gỡ Thủ tướng Anh, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Thương mại, bên cạnh các tiếp xúc, hoạt động khác, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp bình luận thêm:
“Năm nay là một năm quan trọng với hai nước, kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và cũng là một dịp đánh dấu mức độ 10 năm hợp tác đối tác chiến lược, và điều này thể hiện ra bằng những cuộc tiếp xúc như vậy với gặp ngài Thủ tướng Rishi Sunak, gặp Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Thương mại Anh quốc, và việc này hoàn toàn phù hợp với tầm mức đối tác chiến lược song phương.
Và cái đó là rất tự nhiên, ví dụ như gặp Bộ trưởng Thương mại Anh để hai bên trao đổi, thúc đẩy thương mại giữa hai bên trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do giữa hai nước, cũng như trong khuôn khổ kết hợp song phương lẫn đa phương, mở ra rất nhiều cơ hội để thúc đẩy thương mại giữa hai nước, nhất là sau thời kỳ đại dịch Covid-19 kéo dài, và điều này rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay đang có những rắc rối ở Ukraine, thì quan hệ song phương giữa Việt Nam và Anh quốc, cũng như giữa Việt Nam với các nước ở Tây Âu thể hiện một sự tích cực của phía Việt Nam, để vượt qua những khó khăn do cuộc chiến ở Ukraine có thể tác động đến quan hệ song phương.
Còn về cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với Ngoại trưởng Anh quốc, rõ ràng đấy là một dịp rất quan trọng để hai bên có những hiểu biết tốt hơn về nhau, đặc biệt chuyến đi lần này có sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Bùi Thanh Sơn, đấy là một dịp tốt để hai bên thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam với Anh quốc, và chắc chắn sẽ có hứa hẹn giữa hai bên là trong một thời gian nào đấy, sẽ nâng cấp mối quan hệ đối tác chiến lược này lên một tầm mới.”
Cập nhật trên truyền thông chính thống của Việt Nam về chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng tới Anh quốc trong dịp này, hôm 04/5, báo Thế giới & Việt Nam dẫn lời Đại sứ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam, ông Iain Frew, cho hay:
“Nước Anh chưa có lễ đăng quang nào trong 70 năm qua. Vì vậy, việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng với các nhà lãnh đạo khác trên thế giới đến chứng kiến sự kiện ý nghĩa này là vô cùng quan trọng.”
Tờ báo thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đề cập lịch trình dự kiến chuyến thăm của người đứng đầu nhà nước Việt Nam tại Anh quốc, với một số chi tiết mà theo đó:
“Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ gặp Nhà vua Charles III và Hoàng hậu Camilla, gặp các nhà lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội và một số bộ trưởng Nội các Anh; qua đó thắt chặt hơn nữa quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với Chính phủ và Hoàng gia Anh, góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị và quan hệ giữa hai nước.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng sẽ có cuộc gặp với đại diện các tập đoàn kinh tế, cơ sở giáo dục hàng đầu, các tổ chức hữu nghị có đóng góp quan trọng cho sự phát triển quan hệ song phương...”