Chủ tịch nước Việt Nam trình Quốc hội thông qua CPTPP

Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào ngày 2 tháng 11 trình Quốc Hội báo cáo về việc phê chuẩn Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện & Tiến bộ (gọi tắt là CPTPP).

Quốc Hội Việt Nam sau đó tiến hành thảo luận để có thể phê chuẩn vào tuần tới.

Hãng tin AP loan tin này, đồng thời trích lời ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu rằng việc Việt Nam tham gia CPTPP đánh dấu sự trỗi dậy của Việt Nam như là một quốc gia quan trọng ở Đông Nam Á, và Châu Á Thái Bình Dương. Đồng thời, ông Trọng cũng nói Việt Nam sẽ phải vượt qua các thử thách mới, phải điều chỉnh luật pháp và định chế.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh cũng phát biểu trước Quốc Hội rằng khi tham gia hiệp định thương mại này, tổng sản phẩm quốc dân của Việt Nam sẽ tăng lên 1.3% mỗi năm, tạo thêm từ 20 ngàn đến 26 ngàn việc làm mỗi năm, và xuất khẩu sẽ có đà để phát triển.

Hiện đã có sáu quốc gia chuẩn thuận CPTPP, đủ số để Hiệp định CPTPP có hiệu lực vào cuối năm nay.

Tuy vậy sự tham gia của Việt Nam vào CPTPP lại gây lo ngại cho một số quan chức Việt Nam, nhất là các viên chức đang phụ trách công đoàn của nhà nước.

Ông Ngô Duy Hiểu. Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, lo ngại rằng sẽ có những tổ chức gọi là “công đoàn vàng”, tay chân của giới chủ nhân, hoặc những tổ chức của người lao động nhưng sẽ hoạt động chính trị, chống phá nhà nước.

Từ công đoàn vàng xuất hiện từ nước Pháp trong những thế kỷ trước để chỉ những tổ chức của giới chủ mạo danh nghiệp đoàn, chống công đoàn độc lập, ngăn cản những cuộc đình công đòi quyền lợi của công nhân.

Theo qui định của CTTPP, khi Việt Nam gia nhập tổ chức này thì phải để cho công nhân thành lập công đoàn độc lập của mình.

Tất cả những cuộc đình công tại Việt Nam hiện nay đều do công nhân tự phát tổ chức, chứ không phải do công đoàn của nhà nước và bị cho là bất hợp pháp.