Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống dịch COVID-19 của Việt Nam vào sáng ngày 4 tháng 6 tiến hành cuộc họp đánh giá tình hình dịch do virus SARS-CoV-2 tiếp tục hoành hành trên thế giới.
Truyền thông trong nước loan tin dẫn phát biểu của các quan chức thuộc Ban Chỉ đạo, theo đó Việt Nam cần chấn chỉnh biểu hiện lơ là chống dịch.
Đánh giá nhận định Việt Nam đang phải đối diện với sức ép gia tăng đưa công dân từ nước ngoài về khi mà tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Vấn đề này được Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Tô Anh Dũng, thừa nhận. Theo ông Dũng, những đối tượng công dân là Việt Nam bị kẹt lại các vùng có dịch gồm người lao động hết hạn hợp đồng, du học sinh, người đi thăm thân nhân, chuyên gia người Việt…
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống dịch COVID-19 của Việt Nam thì Hà Nội một mặt phải giữ an toàn trong nước, mặt kia là sức ép không thể đóng cửa do phải đưa công dân bị kẹt tại các vùng dịch về; đồng thời phải đón chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào làm việc, xúc tiến thương mại.
Cũng tin liên quan, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, PGS- TS Nguyễn Trường Sơn, vào ngày 4 tháng 6 thông báo về tình hình của bệnh nhân COVID-19 là viên phi công người Anh tại cuộc họp vừa nêu của Ban Chỉ Đạo.
Theo đó bệnh nhân số 91, nam phi công người Anh được chữa trị tại Việt Nam suốt 78 ngày qua, tiếp tục có diễn biến khả quan.
Cụ thể bệnh nhân có phản xạ ho mạnh hơn, sức cơ chi trên 3/5, cho dưới 1/5, cơ hoành phải hoạt động mạnh hơn, chức năng thận đã dần hồi phục.Khả năng phục hồi của bệnh nhân được đánh giá đạt khoảng 50%. Một cuộc hội chẩn 3 miền lần thứ tư sẽ được tiến hành để bàn phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân 91.
Việt Nam trong 49 ngày qua không phát hiện thêm ca nhiễm COVID-19 nào trong cộng đồng. Tổng số ca mắc vẫn là 328; trong số này 302 trường hợp được chữa khỏi.