Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog) vào cuối tháng 1 vừa qua công bố danh sách các doanh nghiệp trúng thầu nhập khẩu 500.000 tấn gạo cho nước này.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam cho biết, doanh nghiệp Việt Nam trúng 8/17 gói thầu. Cụ thể, có ba doanh nghiệp lớn trúng hai lô mỗi đơn vị là Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG) trúng hai lô thầu số 8 và 14; Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood I) trúng hai lô thầu số 15 và 16; Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II) trúng hai lô thầu số 3 và số 9.
Hai doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu còn lại là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Kiên Giang, trúng lô thầu số 12; và Công ty TNHH Lương thực Phát Tài (Đồng Tháp) trúng lô thầu số 11.
Ba lô thầu số 10, 13 và 17 do Công ty R & S Trader PTE của Singapore trúng.
Indonesia cho biết trong năm 2024 có kế hoạch nhập khoảng ba triệu tấn gạo. Số lượng này tương đương với Philippines.
Thống kê cho thấy trong năm 2023, Indonesia trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Philippines. Năm ngoái Indonesia nhập của Việt Nam 1,16 triệu tấn gạo đạt 640 triệu USD.
Năm 2023, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 8,1 triệu tấn, trị giá 4 tỷ 680 triệu USD; tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về giá trị so với năm 2022.
Khối các nước ASEAN là thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam trong năm qua, chiếm 61% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam với 4,9 triệu tấn, tăng 24% so với năm 2022.
Gạo Việt Nam còn được xuất sang Trung Quốc và Ghana ở Châu Phi. Năm 2023, Trung Quốc nhập 917.000 tấn gạo của Việt Nam, và Ghana 587.000 tấn.
Mạng báo Kinh Tế Sài Gòn vào ngày 2/2 dẫn nguồn từ cơ quan chức năng Hàn Quốc cho biết trong năm nay, Hàn Quốc dành cho Việt Nam tổng lượng hạn ngạch gạo là 55.112 tấn.