Bạch Hồng Quyền, một người hoạt động vì nhân quyền ở Việt Nam hiện đang lẩn trốn tại Thái Lan, đang lo ngại mình sẽ là một nạn nhân của chính quyền hai quốc gia: Việt Nam, đất nước mà anh đã bỏ ra đi 2 năm về trước khi bị truy nã vì các hoạt động xã hội, và Thái Lan, đất nước mà anh hy vọng sẽ cho mình một nơi trú ẩn an toàn.
Quyền là người đã giúp đỡ Trương Duy Nhất, một blogger của Đài Á Châu Tự Do, người bị mất tích khi đang ở Bangkok hồi cuối tháng 1 vừa qua, khi đang xin quy chế tị nạn. Những nghi ngờ trước đó cho rằng Nhất bị an ninh Việt Nam bắt cóc với sự cộng tác của phía Thái Lan đã được củng cố thêm sau khi Đài Á Châu Tự Do nhận được thông tin xác nhận blogger này đang bị giam giữ tại Hà Nội. Thông tin xác nhận từ con gái của blogger là thông tin đầu tiên về ông kể từ khi ông mất tích gần 2 tháng về trước.
Trường hợp của blogger Trương Duy Nhất càng làm xấu thêm hình ảnh của Thái Lan vốn được coi là nơi lánh nạn an toàn cho những người tị nạn ở khu vực Đông Nam Á. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Busadee Santipaks đã từ chối không đưa ra bất cứ lời bình luận nào hôm 21/3 liên quan đến thông tin mới nhất về blogger, mà chỉ nói vắn tắt rằng vấn đề đang được cảnh sát Thái xử lý.
"Tôi hiện rất lo ngại cho sự an toàn của tôi và gia đình tôi", Bạch Hồng Quyền, 29 tuổi – cha của 3 con nhỏ, nói với Đài Á Châu Tự Do trong một cuộc phỏng vấn riêng. Mặc dù đã được Liên Hiệp Quốc cấp quy chế tị nạn vốn được coi là có thể bảo vệ người tị nạn khỏi bị bắt giữ hoặc trục xuất, Quyền nói anh vẫn phải lẩn trốn, sống tách rời khỏi gia đình mình để tránh không bị bắt giữ.
"Nếu chính phủ Thái bắt giữ tôi, họ chắc chắn sẽ trao tôi cho phía Việt Nam", Quyền nói.
Nỗi lo sợ của Quyền bắt nguồn từ những gì đã xảy ra với blogger Trương Duy Nhất, một tiếng nói chỉ trích chính phủ, người được những nhà hoạt động cho rằng đã bị phía Thái Lan bắt giữ khi đang ở tại một trung tâm mua bán ở ngoại ô Bangkok, rồi sau đó trao cho phía an ninh Việt Nam. Trương Duy Nhất cũng là người đóng góp thường xuyên các bài vở cho ban Việt ngữ, Đài Á Châu Tự Do.
Blogger Người Buôn Gió (Bùi Thanh Hiếu) hiện đang sống ở Đức, viết trên trang facebook của mình hôm 10/3 rằng cảnh sát Thái đã bắt Nhất đến một quán ăn ở ngoài Bangkok nơi các nhân viên an ninh Việt Nam đã chờ sẵn. "Khi Nhất thấy người Việt Nam đi xe đến, Nhất cự không kịp và bị những người bịt mặt này bẻ tay, trùm đầu vất lên xe tiêm thuốc mê", blogger Người Buôn Gió viết.
Chính phủ Thái Lan nói rằng họ đang điều tra trường hợp của blogger Trương Duy Nhất. Đây cũng là trường hợp khiến một số dân biểu Mỹ phải quan tâm lên tiếng. Phản ứng từ chính phủ của Tổng thống Trump đến giờ này là im lặng. Chính phủ Mỹ thường tránh chỉ trích tình trạng nhân quyền ở các nước đồng minh châu Á như Thái Lan và Việt Nam, nơi đã tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Bắc Hàn hồi tháng trước.
Về phần mình, Quyền nói anh cảm thấy mình như người bị chú ý vì những thông tin bên trong mà anh biết được về sự biến mất của Nhất. Anh nói anh đã giúp blogger tìm nơi ở tại Bangkok và giúp nộp hồ sơ xin quy chế tị nạn lên văn phòng Cao Ủy về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc ở Bangkok hôm 25/1, một ngày trước khi Nhất mất tích, và anh có những thông tin liên quan đến việc khiến blogger hay chỉ trích chính quyền và vốn có nhiều quan hệ phải chạy trốn khỏi Việt Nam.
Con gái của Nhất, cô Trương Thục Đoan, nói rằng mẹ cô, tức blogger Nhất, là bà Cao Thị Xuân Phượng, được phía trại giam cho biết Nhất đã bị bắt từ ngày 28/1, 2 ngày sau khi ông bị bắt cóc ở Bangkok. Nhất hiện đang bị giam giữ tại trại T16 ở Hà Nội. Bà Phượng hiện vẫn chưa được phép vào thăm chồng.
"Rõ ràng là ba tôi không có ý định quay về Việt Nam", cô Trương Thục Đoan nói.
Quyền nói về nỗi sợ của mình có liên quan đến trường hợp của Nhất, và cho rằng cảnh sát Thái và Việt Nam đang muốn xóa mọi dấu vết của Nhất nhằm che đậy những gì đã xảy ra. Anh cũng nói đến những lo ngại đã được các nhà hoạt động nhân quyền đưa ra rằng chính phủ Việt Nam và chính phủ Thái Lan có thể đang muốn trao đổi các nhà bất đồng chính kiến mà họ đang tìm kiếm ở cả hai nước. Chính phủ Thái đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào cuối tuần này.
"Vào lúc này, tôi không thể sống cùng gia đình tôi vì tôi biết chính phủ Thái đang theo dõi vợ tôi để tìm ra tôi", Quyền nói trong một cuộc phỏng vấn trước khi thông tin về Nhất xuất hiện. RFA đồng ý không tiết lộ thời gian và địa điểm cuộc phỏng vấn vì những lo ngại cho an toàn của Quyền.
"Chúng tôi đã không sống cùng nhau suốt khoảng 10 ngày nay. Vợ tôi hôm qua nói với tôi rằng một vài cảnh sát đã đậu xe dưới tòa nhà nơi gia đình tôi sống. Chiều qua, một vài người đã đến gõ cửa nhà tôi và vào trong để tìm xem tôi có ở nhà không nhưng họ không thấy tôi nên đã bỏ đi. Họ nói với vợ tôi là họ là an ninh của tòa nhà nhưng họ lại mặc quần áo thường", Quyền cho biết.
Quyền đang tìm kiếm việc định cư ở Canada, nơi được coi là nơi đến hàng đầu cho những người tìm quy chế tị nạn sau khi Hoa Kỳ cắt giảm đáng kể con số người tị nạn mà nước này có thể chấp nhận.
Bản copy đơn xin tị nạn của Quyền tới chính phủ Canada hôm 2/3 mà RFA có được viết: "Tôi hiện đang sống trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm".
RFA đã gọi số điện thoại của Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok để xin phản ứng về những cáo buộc mà Quyền đưa ra rằng Việt Nam muốn Thái Lan trục xuất Quyền, nhưng số điện thoại dường như không hoạt động.
Giới chức di trú Thái Lan từ chối có bất cứ thông tin nào liên quan đến nỗ lực nhằm trục xuất Quyền, người đã chạy sang lánh nạn tại Thái Lan từ tháng 5 năm 2017 vì bị truy nã với cáo buộc "gây rối trật tự công cộng" sau khi anh tổ chức một cuộc diễu hành kỷ niệm vụ ô nhiễm biển miền trung Việt Nam năm 2016. Thảm họa môi trường này đã dẫn đến nhiều vụ biểu tình phản đối lớn.
"Chúng tôi không có thông tin Bạch Hồng Quyền trong hệ thống. Anh ta không có ở đây", Đại tá Cảnh sát Tatpong Sanawarangkoon, người phụ trách bộ phận thuộc Cơ quan di trú, nói với hãng tin BenarNews. Người đại diện cơ quan Di trú Thái nói ông không thể đưa ra nhận xét nào về những cáo buộc mà Quyền đưa ra liên quan đến việc cảnh sát Thái Lan đang tìm kiếm anh.
Mặc dù Thái Lan không phải là một nước ký Công ước về người Tị nạn năm 1951, nhưng Thái Lan đã luôn được coi là một nơi đến cho những người tị nạn chạy trốn chiến tranh và đàn áp từ các nước láng giềng.
Những vụ cưỡng bức trục xuất người tị nạn hoặc tìm kiếm quy chế tị nạn do lo ngại bị đàn áp trên thực tế là rất hiếm ở Thái kể từ sau khi Thái Lan gửi trả hơn 100 người Hồi giáo Uighur về lại Trung Quốc hồi nằm 2015, gây bất bình trong quốc tế. Tuy nhiên, những người tị nạn vẫn phải đối mặt với tình trạng bấp bênh. Gần 10% trong số hơn 5.000 người có đăng ký được quan tâm của UN tại Thái Lan hiện đang bị giam giữ trong trung tâm giam giữ của sở Di trú.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới hồi tuần trước nói rằng sau khi cảnh sát Thái tìm đến nhà Quyền vào ngày 1/3, họ lo ngại là giới chức Thái sẽ cho phép an ninh Việt Nam bắt cóc Quyền.
"Chúng tôi thúc giục chính phủ Thái Lan tôn trọng quy chế của Bạch Hồng Quyền và gia đình anh ta là những người tị nạn và ngưng việc đe dọa Quyền dưới bất cứ cách nào", ông Daniel Bastard, người đứng đầu phân ban Châu Á Thái Bình Dương của tổ chức Phóng viên Không Biên giới nói với RFA.
Quyền sống ở Thái Lan cùng với vợ là Bùi Hương Giang và ba con là Bạch Yến Nhi, 6 tuổi, Bạch Gia Hân, 3 tuổi và con trai Bạch Joseph, 6 tháng sinh tại Thái Lan.
Quyền nói Quyền không hối tiếc việc giúp Nhất, người đã nói với Quyền là phải dời Việt Nam vì lo sợ sẽ bị bắt giữ. Nhất cũng nói rằng ông có những thông tin bên trong có thể gây nguy hại cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông nói ông có ý định sẽ công bố những thông tin này khi ông có được quy chế tị nạn ở nước khác.
Quyền giải thích rằng anh không lạ gì những sách nhiễu đối với các hoạt động xã hội của mình ở Việt Nam.
"Khi tôi bị nguy hiểm, đã có những người khác giúp đỡ tôi", Quyền nói, "Khi Trương Duy Nhất nói với tôi là anh ấy gặp nguy hiểm, là một người Việt Nam và là một người hoạt động tôi thấy bình thường khi giúp đỡ một người bạn, người cũng đã từng bị đi tù vì những bài viết của anh ấy trên blog và hiện giờ đang gặp nguy hiểm".
"Tôi không hối tiếc về những gì mình đã làm", Quyền nói tiếp, "Tôi đang gặp nguy hiểm nhưng ít nhất tôi vẫn còn tự do".