Chính phủ chưa có chủ trương cải cách Tiếng Việt

Chính phủ Hà Nội chưa có chủ trương cải cách Tiếng Việt, ít nhất trong vòng mấy năm tới, là khẳng định mà ông Phó thủ tướng chính phủ Việt Nam, Vũ Đức Đam, đưa ra tại phiên thảo luận cho ý kiến dự thảo luật Giáo dục sửa đổi sáng 12/9,

Khẳng định của ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa nêu được đưa ra vào khi tại Việt Nam đang có những tranh cãi mạnh mẽ về cách đánh vần Tiếng Việt trong một sách dành cho học sinh lớp 1 mà người chủ xướng là ông Hồ Ngọc Đại.

Truyền thông trong nước dẫn phát biểu của ông Vũ Đức Đam nói thêm rằng câu chuyện sách Công nghệ giáo dục rộ lên thời gian gần đây chỉ là một phương pháp đổi mới trong cách học Tiếng Việt, dạy phát âm cho trẻ chứ không phải cải cách ngôn ngữ.

Cũng trong phiên thảo luận, Trưởng Ban Dân nguyện Quốc Hội, bà Nguyễn Thanh Hải, cho biết có một số nơi dùng sách công nghệ giáo dục 100%, một số nơi không, khi đi mua sách thì cũng nơi có nơi không. Bà nêu thắc mắc liệu việc cung cấp sách có độc quyển hay không?

Bà Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng có phát biểu cho rằng cải cách phải đổi mới toàn diện và sau khi đổi mới phải ổn định và đồng bộ, không thể cứ thực nghiệm mấy chục năm chưa xong. Bà nhấn mạnh "Không thể có SGK tự chọn được. Trường này muốn học cái này, trường khác thì học sách khác".

Ông Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng không thể mỗi trường một kiểu sách, một kiểu học như hiện nay vì như thế thì chương trình giáo dục sẽ không tổng thể, không toàn diện.

Thời gian gần đây, sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại khiến nhiều phụ huynh hoang mang bởi cách phát âm rất khác với cách họ học trước đây.

Tin cho biết hiện có khoảng 49 tỉnh thành giảng dạy bằng sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại và có khoảng 800.000 học sinh đã được học sách này.

Một lãnh đạo của Sở GD&ĐT TPHCM cho báo chí trong nước biết hiện thành phố không sử dụng sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại trong giảng dạy.