Trước kỳ họp Quốc hội dự kiến khai mạc vào ngày 20/5 tới đây, nhiều cử tri đã nêu quan ngại về tình trạng người Trung Quốc, doanh nghiệp Trung Quốc thu mua đất tại gần khu vực trọng yếu về quốc phòng và an ninh của Việt Nam, đồng thời đưa người Trung Quốc vào lao động trái phép.
Báo Người Lao Động hôm 17/5 cho biết cử tri tại các tỉnh Bình Dương, Hải Phòng lo ngại người Trung Quốc “lập xóm, lập phố” ở các khu đất trọng yếu. Cử tri yêu cầu chính quyền phải quản lý chặt tình trạng người nước ngoài mua đất, sinh sống và làm việc tại Việt Nam, đặc biệt là các dự án do Trung Quốc trúng thầu.
Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết, tính đến ngày 30/11/2019, đã có 149 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc đang hoạt động tại khu vực biên giới của 22/44 tỉnh, thành biên giới. Diện tích đất đai của các doanh nghiệp này là hơn 162.000 ha với tổng vốn đầu tư là gần 31 tỷ đô la. Số lao động Trung Quốc đang làm việc tại các doanh nghiệp này là hơn 4.200 người.
Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của các doanh nghiệp Trung Quốc là khách sạn, nhà hàng, du lịch, vui chơi giải trí, may mặc, nuôi trồng thuỷ sản, da giầy, bao bì, đồ chơi trẻ em, linh kiện điện tử.
Các địa phương có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc nhất là Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải PHòng, Bình Định, Hà Tĩnh, Bình Thuận.
Mặc dù Bộ Quốc phòng nói các doanh nghiệp Trung Quốc chấp hành đúng pháp luật Việt Nam, truyền thông trong nước cho biết một số doanh nghiệp Trung Quốc đã đưa người lao động nhập cảnh trái phép, thậm chí núp bóng danh nghĩa doanh nghiệp Việt Nam để có các hoạt động vi phạm pháp luật như tội phạm công nghệ cao, sản xuất ma tuý.
Trong khi đó, cũng tin liên quan đến Trung Quốc, cử tri tỉnh Quảng Ninh mới đây đã đề cập quan ngại về tình trạng hệ thống kè biên giới giữa hai nước bên phần Việt Nam đang bị xuống cấp, hư hỏng.
Hệ thống kè biên giới bên Trung Quốc đã được xây dựng kiên cố, nhưng hệ thống kè biên giới của Việt Nam ở tỉnh Quảng Ninh mới được xây dựng hoàn thành hơn 16 km.
Các cử tri cho biết, sau mỗi đợt mưa bão, bờ sông bị sạt lở, xói mòn, một số điểm kè, cột mốc biên giới bị hư hỏng, làm thay đổi dòng chảy sông suối, đẩy dần bờ sông suối về phía Việt Nam, ảnh hưởng đến biên giới quốc gia.