Tổng cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính Việt Nam ngày 8/2 thông báo cả nước có 28 doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế các loại với số lượng gần 65 triệu chiếc trong tháng 1/2021.
Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin hôm 9/2 cho biết, số lượng xuất khẩu khẩu trang giảm hơn 8,7% so với số lượng tháng 12/2020.
Tổng cục Hải quan cho hay, năm 2020, có doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,37 tỷ chiếc khẩu trang y tế các loại và thị trường được các doanh nghiệp Việt Nam hướng đến là Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Được biết, sỡ dĩ xuất khẩu khẩu trang y tế đạt con số kỷ lục trong năm 2020 là sau thời gian áp dụng cấp giấy phép xuất khẩu khẩu trang y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, hoạt động xuất khẩu khẩu trang y tế được hoạt động bình thường từ tháng 5/2020.
Trước đó, theo nghị định 20, khẩu trang chỉ được xuất khẩu trong trường hợp viện trợ, hỗ trợ quốc tế được Chính phủ cho phép. Quy định trên được đưa ra nhằm ưu tiên cao nhất cho công tác phòng chống dịch trong nước, đảm bảo đủ trang thiết bị cho các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch COVID-19.
Từ đầu tháng 3/2020, Việt Nam đã trở thành là một trong những quốc gia sản xuất, xuất khẩu đồ phòng chống dịch với số lượng lớn trong thời gian ngắn.
Một giáo viên tiểu học giấu tên vì lý do an toàn sống tại Sài Gòn có nhận xét về mặt hàng khẩu trang y tế do Việt Nam sản xuất:
“Lúc dịch chưa bùng phát hầu như người Việt đều chuộng đồ nước ngoài, nhưng hàng Việt Nam trong lĩnh vực này thì chất lượng hơn. Người Việt Nam có thói quen sử dụng khẩu trang khi ra ngoài và họ đã quen được cách mua khẩu trang và mùi trên từng sợi vải nên họ cảm thấy an tâm hơn khi không biết khẩu trang nước ngoài nhập về làm bằng chất liệu gì, nhất là hiện nay có thời gian nhập khẩu trang từ Trung Quốc về người ta cũng lo sợ.
Hiện nay một số khẩu trang Nhật đã tràn lan vào thị trường Việt Nam, mặc dù có xài rồi, được cái lợi là nhẹ, thông thoáng hơn nhưng không chặt khuôn mặt mình, đeo một hồi là giãn sợi dây ra và tuột lên tuột xuống, trong thời gian đó sẽ có vi khuẩn xâm nhập.
Còn khẩu trang Việt Nam đeo giữ chặt, chị cảm thấy đồ Việt Nam vẫn tốt hơn.”
Bác sĩ Tai – Mũi – Họng Tô Quang Định cũng có ý kiến liên quan:
“Tôi thấy rất tốt. Tôi không thấy nhập của ai về. Tôi dùng của Việt Nam nên chỉ biết của Việt Nam"