Đến năm 2030, dân số Việt Nam sẽ vào khoảng 104 triệu với tuổi thọ trung bình là 75, theo Chiến lược dân số Việt Nam được Chính phủ phê duyệt vào ngày 22/11.
Theo chiến lược dân số Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng. Tỷ lệ trẻ dưới 15 tuổi đạt 22%, tỷ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên đạt 11%, tỷ lệ phụ thuộc chung đạt 49% dân số của cả nước.
Chính phủ kỳ vọng đến năm 2030 tuổi thọ bình quân của người Việt Nam sẽ đạt mức trung bình 75 tuổi trong đó thời gian sống khỏe mạnh tối thiểu 68 năm. Trong đó, chiều cao nam giới đạt gần 1m7, nữ đạt 1m6 và chỉ số phát triển con người năm trong nhóm 4 quốc gia hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Để đạt được mục tiêu như đề ra, Chính phủ Việt Nam định hướng sẽ tăng đầu tư ngân sách và huy động nguồn vốn cho công tác dân số. Ngoài ra, Chính phủ cũng nghiên cứu thành lập quỹ dưỡng lão tự đóng góp của người dân để chăm sóc cho người già.
Theo kết quả điều tra dân số Việt Nam năm 2019, dân số Việt Nam là khoảng hơn 96 triệu người với tỷ lệ nam là gần 48 triệu và nữ gần 49 triệu người, đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á và 15 thế giới.
Chỉ số giới tính trung bình của cả nước khoảng 99 nam /100 nữ, khu vực thành thị khoảng 96 nam/100 nữ, nông thôn là khoảng 100,5 nam/100 nữ.
Sau nhiều thập kỷ duy trì chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ có từ 1 đến 2 con, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, thừa nam thiếu nữ ở nhiều địa phương do tâm lý thích con trai, và tình trạng già hóa dân số. Trong Chiến lược dân số mới, chính phủ Việt Nam đưa ra mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.