Hôm 10 tháng 12 năm 2018, ông Trương Văn Tuyến, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và ông Phạm Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc SBIC (tên mới của Vinashin) bị bắt tạm giam theo quyết định khởi tố bị can của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C03). Truyền thông trong nước đưa tin cùng ngày.
Theo Dân Trí, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an điều tra mở rộng vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Vinashin theo Quyết định nhập vụ án hình sự ký ngày 05/6/2018. Quá trình điều tra vụ án xác định ông Trương Văn Tuyến và ông Phạm Thanh Sơn đồng phạm với ông Trần Đức Chính, kế toán trưởng tập đoàn Vinashin đã có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn, ký duyệt gửi tiền có kỳ hạn của Tập đoàn Vinashin (nay là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam SBIC) vào Ngân hàng Đại Dương trái quy định pháp luật, chiếm đoạt hơn 105 tỷ đồng.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang mở rộng điều tra vụ án, làm rõ hành vi phạm tội và thu hồi, kê biên tài sản do phạm tội mà có.
Những vi phạm cho vay tại Ngân hàng Đại Dương đã khiến hàng chục quan chức phải ra hầu tòa và Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Dương Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên án tử hình.
Tập đoàn Vinashin ra đời dưới thời cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với mục đích thúc đẩy Việt Nam trở thành nước có ngành công nghiệp đóng tàu hàng đầu thế giới.
Năm 2012, ông Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinashin đã nhận một bản án 20 năm tù giam với tội danh ‘cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng’ khiến Vinashin bị phá sản với số nợ lên đến 4 tỉ đô la Mỹ.
Đến tháng 5/2018, ông Phạm Thanh Bình nhận thêm một bản án tù 3 năm nữa cũng cùng tội danh.
Vinashin là một trong các vụ án kinh tế lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam với một loạt quan chức bị đưa ra xét xử với tội danh "cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".