Việt Nam đang nỗ lực khắc phục hoàn toàn hậu quả bom mìn, chất hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam.
Thông tin vừa nêu được truyền thông nhà nước trích dẫn hôm 8/1 từ Hội nghị tổng kết công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2016-2020, và hoạch định giai đoạn 2021-2025.
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 701), trong giai đoạn 2010 - 2020, tổng diện tích khảo sát, rà phá bom mìn là hơn 500.000 hecta, trong đó hơn 400.000 hecta do các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện, 80.000 hecta do các tổ chức quốc tế thực hiện.
Tổng chi phí cho hoạt động này là hơn 12.624 tỷ đồng, trong đó viện trợ không hoàn lại của nước ngoài khoảng 2.197 tỷ đồng (tương đương với 95,5 triệu USD). Việc rà phá bom mìn thực hiện được khoảng 30.000 - 50.000 hécta/năm.
Các địa phương bị phun rải nặng chất hóa học/dioxin sẽ có hỗ trợ cho nạn nhân. Các điểm nóng được hoàn thành xử lý như ở sân bay Đà Nẵng, sân bay Phù Cát - Bình Định, đang xử lý ở sân bay Biên Hòa, sân bay ASo - Huế...
Ban Chỉ đạo 701 cho biết đã thu gom, xử lý khoảng 260 tấn chất hóa học CS trên địa bàn các tỉnh thuộc các Quân khu 4, 5, 7, 9; khoanh vùng chống lan tỏa cho 18 điểm xử lý, xây dựng bản đồ các điểm phát hiện tồn lưu...
Phát biểu Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, trưởng Ban Chỉ đạo 701 yêu cầu tăng cường tuyên truyền, vận động các nguồn lực trong và ngoài nước để tiến tới khắc phục hoàn toàn hậu quả bom mìn và chất hóa học/dioxin sau chiến tranh đối với con người và môi trường ở Việt Nam.