Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết, Hà Nội đã trả hết số nợ 145 triệu USD phát sinh từ khoản vay của Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA đưa tin hôm 28 tháng 7.
Khoản nợ vừa nói là khoản mà Hà Nội bị buộc phải kế thừa dù trước đó chính quyền mới không thừa nhận mọi khoản nợ của chế độ cũ. Trong đó, khoảng 76 triệu USD là nợ gốc và phần còn lại là tiền lãi trong 24 năm. Đặc biệt, không có khoản vay nào được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động quân sự trong chiến tranh Việt Nam.
Theo Wikipedia, các khoản cho vay lớn của Hoa Kỳ là để giúp Việt Nam Cộng Hòa đóng tiền gia nhập Quỹ Tiền tệ Quốc tế (4 triệu USD năm 1956), đổi mới hệ thống viễn thông (6,8 triệu USD năm 1958-1959), phát triển đội tàu hỏa (9,7 triệu USD năm 1959, 9,7 triệu USD năm 1961), mở rộng hệ thống dẫn nước từ sông Đồng Nai về Sài Gòn (17,5 triệu USD năm 1960), xây dựng một nhà máy nhiệt điện ở Thủ Đức (12,7 triệu USD năm 1961), hỗ trợ chương trình Người cày có ruộng (5 triệu USD năm 1970).
Còn theo báo Nhân dân, số nợ gốc của chính quyền Sài Gòn là 85 triệu đôla, phần còn lại là tiền lãi, và chi phí phát sinh trượt giá.
Theo VOA, vào ngày 7 tháng 4 năm 1997, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Robert Rubin ký thỏa thuận tại Hà Nội về việc Việt Nam trả lại khoản nợ 145 triệu đôla như một điều kiện để xúc tiến ngoại giao. Việt Nam trả ngay một khoản “downpayment” hơn 8,5 triệu USD tiền lời trong vòng 30 ngày kể từ ngày hai bên ký thỏa thuận. Sau đó, Việt Nam trả đều đặn số nợ còn lại từ tháng 7 năm 1997, đến cuối năm 2019 thì hết.
Từ khi thiết lập bang giao với Việt Nam vào năm 1995 cho đến nay, Hoa Kỳ tài trợ cho Việt Nam hàng trăm triệu USD cho nhiều dự án, chương trình nhưng từ chối xóa món nợ vừa nêu.