Mạng báo Chính phủ Việt Nam hôm 14-10-2021 dẫn Nghị quyết số 127/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2021, trong đó yêu cầu Bộ Công an xử lý những người dân bị cho là ‘đưa tin chống phá công tác phòng, chống dịch’.
Nghị quyết yêu cầu Bộ Công an Việt Nam "phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ 4T) kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi xuyên tạc, đưa tin giả, tin xấu, tin không có cơ sở, chống phá công tác phòng, chống dịch, gây nghi ngờ, mất đoàn kết, ảnh hưởng đến tâm lý của các lực lượng tham gia phòng, chống dịch."
Ngoài ra, văn bản của Chính phủ sau cuộc họp ngày 8-10 cũng yêu cầu Bộ 4T phải "kịp thời phản hồi, điều chỉnh các thông tin không chính xác, phản bác các thông tin xuyên tạc, kích động, sai sự thật, gây mất niềm tin của nhân dân, ảnh hưởng tới sự đoàn kết, thống nhất, sự đồng lòng của cả nước trong công tác phòng, chống dịch COVID-19".
Một điều nữa là các kênh truyền thông nhà nước như: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam cũng được yêu cầu "tuyên truyền kịp thời, trung thực, khách quan, chính xác về tình hình dịch bệnh và chính sách an sinh xã hội để tạo sự đồng thuận xã hội, làm cho dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân cùng làm để vượt qua đại dịch và phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội".
Từ đầu năm đến nay, chính quyền Việt Nam tăng cường các hình thức xử phạt tiền người dân vì các bài đăng trên mạng xã hội, đồng thời bắt giam hàng chục người khác với các cáo buộc đưa tin tuyên truyền chống phá Nhà nước.
Đặc biệt chỉ trong tuần lễ đầu tiên của tháng 10 - 2021, nhà cầm quyền đã bắt giữ liên tiếp ba người gồm các ông Đinh Văn Hải ở Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Võ Hoàng Thơ ở Cần Thơ và bà Phùng Thị Nga ở Vĩnh Phúc với các cáo buộc tội tuyên truyền chống Nhà nước và lợi dụng các quyền tự do dân chủ.