Quốc hội Việt Nam đồng ý chuyển 14.620 tỉ đồng từ cắt giảm, tiết kiệm chi năm 2021 vào ngân sách trung ương để ưu tiên sử dụng cho phòng, chống dịch COVID-19. Thông tin được truyền thông Nhà nước loan vào ngày 22/9 theo nội dung phiên họp thứ ba của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam (VN).
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nhu cầu kinh phí trung ương chi cho phòng chống dịch trong thời gian tới là rất lớn. Ông dẫn giải, theo tính toán của Bộ Y tế, riêng việc tiêm phòng cho khoảng 80 triệu dân trong năm 2021, VN cần phải mua khoảng 170 triệu liều vắc-xin với kinh phí khoảng 28.500 tỉ đồng. Nếu dịch kéo dài và phải tiêm vắc-xin nhắc lại hàng năm thì nhu cầu kinh phí sẽ lớn hơn; chưa kể các khoản mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế khác.
Do đó, ông kết luận, tổng hợp chung, VN phải chi cho công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới dự kiến khoảng từ 36 đến 40 ngàn tỉ đồng.
Với số tiền từ nguồn dự phòng 14.620 tỉ đồng, Bộ trưởng Tài chính cho biết, dự kiến trước mắt sẽ sử dụng 4.900 tỉ đồng để chi hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 cho Bộ Quốc phòng (1.000 tỉ đồng), Bộ Công an (900 tỉ đồng); đồng thời hỗ trợ TP.HCM (2.000 tỉ đồng), các tỉnh Bình Dương (500 tỉ đồng), Đồng Nai (500 tỉ đồng).
Trước đó, hôm 16/9, ông Hồ Đức Phớc tiết lộ rằng ngân sách Nhà nước đang rất eo hẹp, đến mức “gần như không còn đồng nào”. Và đó cũng là lý do khiến việc chi ngân sách chống dịch cho lực lượng công an và quân đội gặp khó khăn.
Sau phát biểu của vị Bộ trưởng Tài chính, trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người dân bày tỏ sự hoang mang khi ngân sách không còn gì mà tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra rất phức tạp, đòi hỏi VN phải khẩn cấp mua vắc-xin để chích cho dân.
Một ngày sau đó, hôm 17/9, ông Bộ trưởng Tài chính được truyền thông trích dẫn lời giải thích về phát ngôn của mình, khẳng định rằng ông đã nói ngân sách rất khó khăn, gần như không còn và hiện chỉ chờ vào nguồn tiết kiệm chi và khoảng 14.620 tỉ đồng đang trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh dự toán thì mới chi được.