Việt Nam chỉ tuyên án tử đối với các tội phạm ‘đặc biệt nghiêm trọng’

Việc bãi bỏ án tử hình không phải là một phần của các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Đây là trả lời của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng vào ngày 11/4 trước thông tin Việt Nam nằm trong 5 nước thi hành nhiều án tử hình nhất thế giới trong năm 2018 của Tổ chức Ân Xá Quốc Tế Amnesty International.

Trước đó, vào thứ Tư 10/4, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã công bố một báo cáo về án tử hình vào năm 2018, cho biết Việt Nam đã xử tử ít nhất 85 người và nằm trong danh sách 5 nước thi hành nhiều án tử nhất thế giới năm ngoái.

Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm hình phạt tử hình chỉ được áp dụng cho các tội phạm ‘đặc biệt nghiêm trọng’ theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Bà Hằng khẳng định các tội phạm vẫn được xử lý theo luật pháp Việt Nam, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và các quyền của người dân.

Vẫn theo Phát ngôn nhân Việt Nam, chính phủ Hà Nội đã nhiều lần giảm số lượng tội phạm có thể bị tuyên án tử hình.

Bộ luật hình sự mới nhất năm 2015 của Việt Nam, có hiệu lực vào tháng 1 năm 2018, đã loại bỏ 8 hành vi vi phạm pháp luật khỏi danh sách bị tuyên án tử. Đồng thời, những người dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai, phụ nữ chăm sóc con dưới 3 tuổi và những người từ 75 tuổi trở lên sẽ không bị kết án tử hình cho những sai phạm mà họ gây ra.

Việt Nam tuyên phạt tử hình đối với 15 loại tội phạm, bao gồm hãm hiếp, giết người, tham nhũng và các tội liên quan đến ma túy và an ninh quốc gia. Chính phủ Hà Nội đã chuyển hình thức thực hiện từ bắn súng sang tiêm thuốc độc vào năm 2013.