Theo thông tin từ báo chí Nhà nước Việt Nam hôm 13/4/2021, Công an Hà Nội bắt đầu điều tra vụ chủ vườn lan Hà Thanh bị tố lừa vài trăm triệu đồng rồi bỏ trốn.
Cụ thể, những người chơi lan đã đặt cọc hàng trăm triệu mua ‘lan đột biến’ ở vườn lan Hà Thanh nhưng đến ngày 12/4 thì chủ vườn lan biến mất mà không giao lan cho khách hàng. Số tiền đặt cọc này gọi là tiền ‘bán lúa non’.
‘Lúa non’ là thuật ngữ của giới chơi lan. Theo đó khi một hoặc nhiều loại lan đột biến giá đang lên rất cao và khan hàng, nhà vườn chưa nhân giống kịp, sẽ đưa ra hình thức bán lúa non, tức là nhận tiền trước và hẹn thời gian trả hàng. Hàng được giao phải đảm bảo cao trên 5 cm và đã có rễ. Giới chơi lan có luật bất thành văn là đền tiền hoặc lan nếu sản phẩm bán không đúng chuẩn.
Số tiền chủ vườn lan hiện giữ được cho là khoảng 700 triệu đồng. Bởi phần lớn lan đột biến khách hàng đặt là "kei lúa non" Ngọc Sơn Cước, Bạch Tuyết, Bảo Duy…. Đây là những loại lan theo định giá của giới chơi lan đột biến có giá từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng/cm.
Hôm 10/4, Công an tỉnh Hưng Yên đã phát đi cảnh báo tới người dân về việc tránh bị lợi dụng vào các chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khi mua bán lan đột biến. Theo Công an Hưng Yên, những vụ mua bán lan đột biến trên đã khiến nhiều người tưởng việc kinh doanh này dễ kiếm lời nên bất chấp rủi ro, cầm cố tài sản, vay mượn ngân hàng, người thân, thậm chí tín dụng đen để đầu tư.
Từ cuối tháng 3/2021, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã cảnh báo về các giao dịch mua bán "lan đột biến" với giá trị lớn, gần nhất là tại tỉnh Hà Nam và tỉnh Quảng Ninh.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hòa Bình mới đây cũng ra công văn gửi các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn về việc chấn chỉnh hoạt động cho vay các giao dịch có nguy cơ rủi ro cao.
Theo công văn này, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đang có hiện tượng giao dịch, kinh doanh hoa lan đột biến gen với giá trị rất lớn, có một số giao dịch lên đến hàng tỷ, chục tỷ đồng/kei.