Nhập khẩu phế liệu của Việt Nam cao kỷ lục trong tháng 12/20

Nhập khẩu phế liệu sắt của Việt Nam đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 12 khi thị trường sắt thép toàn cầu phục hồi, đẩy nhập khẩu phế liệu sắt cả năm lần đầu tiên của Việt Nam lên trên 6 triệu tấn.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam được Argus Media trích dẫn hôm 21/1, nhập khẩu phế liệu sắt năm 2020 của Việt Nam tăng 11% so với năm trước, lên gần 6,3 triệu tấn, với lượng nhập khẩu trong tháng 12 là gần 800 ngàn tấn.

Nhập khẩu từ nhà cung cấp chính Nhật Bản tăng lên 3,4 triệu tấn, cho phép Việt Nam vượt qua Hàn Quốc, trở thành thị trường tiêu thụ phế liệu lớn nhất của Nhật Bản vào năm 2020.

Nhu cầu phế liệu cao hơn của Việt Nam là do công suất sản xuất thép của Việt Nam tăng lên. Việt Nam nhanh chóng kiểm soát sự lây lan của COVID-19 và kích thích nền kinh tế, khiến nhu cầu thép tăng. Theo nhà sản xuất thép Hòa Phát, sản lượng thép thô của công ty tăng 44% từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2020, trong đó tháng 11 tăng 167% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều nhà sản xuất thép Việt Nam cũng được hưởng lợi từ nhu cầu mua thép bán thành phẩm mạnh mẽ từ Trung Quốc kể từ tháng 4 năm 2020. Việt Nam đã xuất khẩu gần 3 triệu tấn bán thành phẩm thép sang Trung Quốc vào năm 2020, gấp 7,6 lần số lượng năm 2019.

Khi nhu cầu mua thép từ Trung Quốc giảm vào cuối năm, nhu cầu thép trong nước Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác lại tăng nhanh. Việc bán hàng suôn sẻ và triển vọng tích cực đã khuyến khích các nhà máy Việt Nam tiếp tục nhập khẩu phế liệu để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Nhập khẩu phế liệu sắt từ Mỹ trong tháng 12 cũng tăng mạnh. Các nhà cung cấp của Mỹ bắt đầu vận chuyển phế liệu nhiều hơn đến Việt Nam từ giữa năm, với xu hướng này tăng nhanh vào cuối năm do Việt Nam có giá khả thi cao nhất trong số các điểm đến.

Tuy nhiên, nhập khẩu phế liệu sắt của Hoa Kỳ vào những ngày giáp năm 2021 thấp hơn, do nguồn cung giảm vì tốc độ thu gom chậm hơn bởi đại dịch. Các nhà máy thép của Mỹ cũng tăng giá thu mua để cạnh tranh nguồn phế liệu có hạn.

Nhập khẩu từ Hồng Kông và Úc trong tháng 12 tăng so với tháng trước, do người mua chuyển sang các thị trường này, khi giá từ các nhà cung cấp lớn quá cao hoặc với số lượng hàng có hạn.