Báo Nhà nước không đưa tin vụ VN bỏ phiếu chống nghị quyết loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền

Việt Nam là một trong số 24 quốc gia bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Mỹ để loại Nga ra khỏi Hội đồng nhân quyền vì gây ra cuộc chiến tranh ở Ukraine, tuy nhiên khi tường thuật về vụ việc này các tờ báo nhà nước đã không hề đề cập gì đến lá phiếu này của Việt Nam.

Quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo cùng với các nước như Trung Quốc, Lào, Cuba, Bắc Hàn, Nga, Iran... bỏ phiếu chống, tuy nhiên với kết quả 93 phiếu ủng hộ nghị quyết, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng thì Đại hội đồng LHQ đã nhất trí đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền do chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.

Trước cuộc bỏ phiếu, Nga đã cảnh báo những nước bỏ phiếu thuận và bỏ phiếu trắng sẽ bị coi là một "cử chỉ không thân thiện" và gây ra hậu quả cho quan hệ song phương. Chính Việt Nam đã hai lần bỏ phiếu trắng trong các nghị quyết chống Nga.

Một lần nữa, báo chí do Nhà nước Việt Nam kiểm soát khi đưa tin về vụ việc bỏ phiếu loại Nga khỏi Hội đồng nhân quyền không hề đề cập gì đến là phiếu của nước nhà, điều mà bạn đọc quan tâm.

Chỉ có duy nhất trang Vietnamplus (TTXVN) đưa tin dẫn lời của ông Đặng Hoàng Giang - Đại sứ Việt Nam tại LHQ phát biểu trong cuộc họp của hội đồng rằng, Việt Nam quan ngại trước ảnh hưởng của chiến sự tại Ukraine đối với người dân và thông tin về việc nhiều dân thường bị thiệt mạng trong những ngày qua.

Nước này "phản đối mọi hành vi tấn công dân thường, vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, đồng thời cho rằng cần xác minh, kiểm chứng các thông tin gần đây một cách công khai, minh bạch, khách quan, với sự hợp tác của các bên liên quan."

Việt Nam thời gian qua rầm rộ công bố thông tin về việc sẽ ứng cử vào chức Chủ tịch Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, cho rằng việc này đã thể hiện mong muốn của Hà Nội trong việc đóng góp vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Sau khi có kết quả bỏ phiếu, đại diện Nga tuyên bố quyết định kết thúc sớm tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2021 - 2023, và gọi đây là "bước đi phi pháp và mang động cơ chính trị nhằm trừng phạt một ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ vốn theo đuổi một chính sách đối nội và đối ngoại độc lập”.