Khởi tố vụ án tại VNCERT liên quan AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Cơ quan Cảnh Sát Điều Tra (CSĐT) thuộc Bộ Công an Việt Nam vào ngày 29/12 ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam đối với 9 người liên can "Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị và dịch vụ kỹ thuật nhằm theo dõi, phân tích sự cố, tấn công an toàn thông tin mạng trên một số kênh kết nối Internet quốc tế" do Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (gọi tắt là VNCERT thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông (TT-TT) thực hiện trong năm 2017).

Cụ thể những người bị khởi tố và bị bắt giam gồm các ông, bà Nguyễn Trọng Đường- nguyên Giám đốc VNCERT, hiện là Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ TT&TT; Ngô Quang Huy- nguyên Phó Giám đốc VNCERT, hiện là Phó Chánh văn phòng Bộ TT&TT; Nguyễn Thị Thanh Nhàn- Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng giám đốc Công ty AIC (đang bị truy nã); Đỗ Văn Sơn- Trưởng Ban quản lý dự án 2 Công ty AIC; Nguyễn Văn Thế- Trưởng Ban KT 7 Công ty AIC; Nguyễn Vũ Cường- Giám đốc và Mai Phương Nam, Phó Giám đốc Công ty Khang Phát; Đặng Xuân Minh- Giám đốc và Nguyễn Quốc Việt- Thẩm định viên Công ty BTC Value. Tất cả bị cáo buộc cùng về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại

Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã thu thập tài liệu chứng cứ xác định ông Nguyễn Trọng Đường, nguyên Giám đốc VNCERT đã chỉ đạo một số cán bộ cấp dưới thông đồng với Công ty TNHH TM&DV Khang Phát (đơn vị tư vấn), Công ty Cổ phần thẩm định giá BTC Value và nhà thầu cung cấp thiết bị là Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Đấu thầu, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước.

Theo Công an Việt Nam, bà Nguyễn thị Thanh Nhàn chủ mưu mọi hoạt động đấu thầu của AIC, chỉ đạo lập các quy định, quy chế phân cấp, phân quyền cho các phó tổng giám đốc, trưởng các ban với một quy trình thống nhất các khâu từ chuẩn bị phê duyệt dự án, đấu thầu, thực hiện hợp đồng, nghiệm thu. Bà này còn sử dụng các công ty do chính bà thành lập, các công ty có quan hệ phụ thuộc và đối tác để tham gia dự thầu cho AIC.

Vào cuối năm 2022, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị tòa Hà Nội tuyên 30 năm tù với cáo buộc là chủ mưu vụ án vi phạm quy định đấu thầu, đưa-nhận hối lộ xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Giữa tháng tư vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị Bộ Công an khởi tố trong vụ án mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Công nghệ Sinh học Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trốn khỏi Việt Nam từ ngay trước khi vụ án đầu tiên liên quan đến bà bị Công an khởi tố.

Mạng báo Taz của Đức hồi đầu tháng tám vừa qua loan tin nói bà Nhàn đang ở Đức và phía Hà Nội có yêu cầu Berlin dẫn độ bà này về Việt Nam. Tuy vậy yêu cầu này bị từ chối, và theo Taz, Chính phủ Berlin cảnh báo Hà Nội không được có động thái bắt cóc bà này trên đất Đức.

Hồi năm 2017, mật vụ Việt Nam bị Đức cáo buộc đã bắt cóc quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh tại Berlin rồi đưa về Hà Nội dù lúc đó ông này đang xin tỵ nạn chính trị tại Đức.

Sau đó ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên truyền hình Việt Nam nhận tội và rồi bị kết án tù về tội tham nhũng.

Vụ này khiến quan hệ giữa Đức và Việt Nam xấu đi trong một thời gian dài trước khi được khôi phục trở lại.

Vào ngày 16/8 vừa qua, Phó Ban Nội chính Trung ương về phòng/chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Yên, đưa ra quyết tâm bắt bằng được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn với tuyên bố: "Khi anh mới là đối tượng truy nã thôi, chưa có bản án thì rất khó khăn trong hợp tác quốc tế, nhưng khi bản án tuyên có hiệu lực thì anh là tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến tham nhũng, kinh tế thì thế giới này không có nước nào dung tha."

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn từng làm trung gian cho các thương vụ mua bán vũ khí giữa Việt Nam và các nhóm quốc phòng Phương Tây; trong đó có thương vụ mua bán một vệ tinh quân sự cho Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) hồi năm 2018.