Hôm 16 tháng Ba, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký quyết định phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040. Báo Nhà nước đưa tin hôm 16 tháng Ba năm 2021.
Khu kinh tế này được xây dựng trở thành khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc Bộ, của vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái - Phòng Thành (Trung Quốc).
Dự kiến đến năm 2030, quy mô dân số Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái có khoảng 320 ngàn người. Lượng khách du lịch khoảng sáu triệu lượt/năm. Đến năm 2040, có khoảng 470 ngàn người và lượng khách du lịch khoảng chín triệu lượt/năm.
Quyết định thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái được Thủ tướng Chính phủ Hà Nội ký phê duyệt hồi ngày 10 tháng Tư năm 2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày một tháng Sáu năm 2012.
Theo đó, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh giáp với Trung Quốc là khu vực có ranh giới địa lý xác định, thuộc lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, có không gian kinh tế riêng biệt. Khu kinh tế bao gồm 17 xã, phường của thành phố Móng Cái và thị trấn Quảng Hà, các xã Quảng Minh, Quảng Thành, Cái Chiên, Quảng Phong của huyện Hải Hà.
Khu kinh tế này sẽ có hai vùng phát triển động lực là thành phố Móng Cái, khu đô thị - công nghiệp cảng biển Hải Hà.
Khu vực Hải Hà phát triển mở rộng về phía Tây gắn với Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà và trục kết nối cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; về phía Đông gắn với phát triển đô thị dịch vụ sinh thái.
Khu vực Trà Cổ - Bình Ngọc phát triển thành trung tâm dịch vụ du lịch biển gắn với văn hóa và vui chơi giải trí.
Khu vực các đảo: Vĩnh Trung - Vĩnh Thực, Cái Chiên, Vạn Mặc, Vạn Nước, thoi Xanh… phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.