Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt: 'Nhập 37 toa tàu Nhật Bản đã sử dụng 40 năm còn hiệu quả hơn các toa xe đang vận hành'

Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - ông Vũ Anh Minh mới đây cho rằng: 'Nhập 37 toa tàu Nhật Bản đã sử dụng 40 năm còn hiệu quả hơn các toa xe Việt Nam đang vận hành'. Truyền thông nhà nước loan tin vừa nói hôm 19/10.

Theo ông Vũ Anh Minh, nếu nhập mới 40 toa xe này, Việt Nam cần đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng, trong khi tổng chi phí cho dự án nhập toa xe cũ chỉ là 140 tỷ.

Trước đó, hôm 17/10, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã đề nghị Thủ tướng cho phép nhập khẩu 37 toa tàu tự hành đã qua sử dụng của Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản. Đây là các toa tàu được sản xuất trong giai đoạn năm 1979-1982. Các toa xe này có công suất 68-82 chỗ ngồi, 28-34 chỗ đứng, có điều hòa không khí, vận hành với tốc độ tối đa 95 km/h.

Tin cho biết, 37 toa tàu cũ này do Công ty Đường sắt Nhật Bản muốn tài trợ miễn phí cho Việt Nam. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải chịu chi phí vận chuyển, cải tạo để đưa vào sử dụng.

Theo Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, những toa tàu cũ này có thể vận hành thêm 15 năm ở Việt Nam, chi phí cải tạo không nhiều. Khổ đường sắt Việt Nam là 1,00m, trong khi Nhật Bản là 1,067m, chênh nhau 0,067m, chỉ cần ép trục bánh lại mỗi bên ba phân hoặc thay trục ở giữa.

Ngoài ra, theo ông Minh, tàu Việt Nam hiện nay là vận hành tập trung, một đầu máy kéo 13-15 toa, phù hợp với lưu lượng hành khách đông. Nhưng khi hành khách chỉ kín năm toa, vẫn phải dùng đầu máy lớn không hiệu quả do chi phí cao. Trong khi toa xe của Nhật Bản là loại tự hành, có thể tự chạy, kể cả một toa, mà không cần đầu kéo, vì đầu máy nằm ngay trong toa xe.

Ông Minh cho rằng, ngoài chi phí ban đầu rất tiết kiệm, hiệu quả dự án lớn thì Việt Nam có thể nhân cơ hội này thí điểm để có thể đóng mới, hoặc nhập một phần và lắp ráp trong nước các toa tàu như vậy.

Theo quy định của Chính phủ Việt Nam, các toa tàu chở khách đã qua sử dụng nếu nhập khẩu vào Việt Nam phải có niên hạn không quá 10 năm... trừ khi Thủ tướng đồng ý mới được phép nhập khẩu, đưa vào sử dụng.

Trước đó, vào năm 2016, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từng đưa ra đề nghị mua 160 toa xe lửa đã qua sử dụng của Trung Quốc, nhưng sau đó Bộ Giao thông Vận tải không đồng ý, nên kế hoạch này phải hủy bỏ.