Sau nhiều tuần dự đoán về Thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un ở Đà Nẵng, cuối cùng, vào ngày 8/2, Tổng Thống Mỹ đã chính thức tuyên bố trên Twitter, cuộc họp cấp cao sẽ diễn ra ở Hà Nội vào ngày 27 và 28/2.
Trước đó, các dự đoán cho rằng Đà Nẵng có nhiều khả năng là lựa chọn hợp lý vì đây là thành phố đã từng đăng cai tổ chức APEC năm 2017 thành công.
Tuy nhiên lựa chọn ở Hà Nội cũng có những lý do nhất định. Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc viết trên blog của mình hôm 9/2 rằng Hà Nội được phía Bắc Hàn thích hơn vì nhiều lý do. “Thứ nhất, họ (Bắc Hàn) muốn Chủ tịch Kim thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam và Hà Nội là thủ đô. Thứ hai, họ muốn thượng đỉnh lần hai được tổ chức ở một thành phố mà Bắc Hàn có đại sứ quán. Thứ ba, là lý do an ninh, chỉ ở tại một thành phố thay vì phải di chuyển đến một thành phố khác”, Giáo sư Carl Thayer viết.
Mặc dù Đà Nẵng trước đó được cho là địa điểm lý tưởng để tổ chức Thượng đỉnh vì những kinh nghiệm và cơ sở hạ tầng đã có. Tuy nhiên điều này chỉ thích hợp nếu có cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Giáo sư Carl Thayer nhận định “ Cuộc gặp ở Hà Nội sẽ đặt ra các vấn đề về an ninh, hậu cần và nghi thức. Thay vào đó, có tin cho rằng nếu Tổng thống Trump gặp Chủ tịch họ Tập ở đảo Hải Nam thì Đà Nẵng sẽ là một điểm bắt đầu tuyệt vời. Nhưng giờ cuộc gặp dường như khó có thể xảy ra vào lúc này nên có ít lý do hơn cho Đà nẵng trở thành địa điểm của Thượng đỉnh lần này”.
Hôm thứ Năm, ngày 7/2, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ không gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến đi Châu Á sắp tới.
Việc Thượng đỉnh Mỹ Bắc Hàn diễn ra ở Việt Nam lần này được cho là có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam vì Hà Nội, Việt Nam sẽ là tâm điểm chú ý của thế giới lần này, theo đánh giá của một số chuyên gia quốc tế. Tổ chức Thượng Đỉnh này cũng cho thấy chính sách đa phương đa dạng hoá quan hệ với Quốc tế mà Hà Nội đã theo đuổi bấy lâu nay.
Đã có nhận định cho rằng với việc Việt Nam và Trung Quốc đang có tranh chấp liên quan đến chủ quyền ở Biển Đông, Hà Nội trông ngóng việc tổ chức Thượng đỉnh lần này như một cơ hội để có được sự ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam. Tuy nhiên, theo Giáo sư Carl Thayer, nhận xét này có tính thiển cận vì xung đột hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên sẽ có ảnh hưởng tới Việt Nam lớn hơn nhiều so với căng thẳng hiện có trên Biển Đông, trong khi cả Việt Nam và Trung Quốc đều muốn thúc đẩy đối thoại giữa Mỹ và Bắc Hàn.