Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: muốn vận hành phải mất nửa năm hoặc hơn

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông muốn vận hành phải mất nửa năm hoặc lâu hơn nữa tùy vào thái độ và trách nhiệm của chủ đầu tư và tổng thầu EPC Trung Quốc.

Đó là kết luận của tư vấn Pháp khi tiếp cận dự án để kiểm tra và chỉ ra những vấn đề chưa đồng bộ của dự án được báo chí trong nước loan tin ngày 17/10.

Theo đó, tư vấn Pháp đã chỉ ra những vấn đề chưa đồng bộ của dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, cho rằng hồ sơ thi công và hồ sơ về hệ thống an toàn đều chưa đầy đủ. Trong khi đó, để tàu có thể vận hành thì tất cả phải đồng bộ.

Trước đó, vào chiều ngày 25 tháng 9, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho truyền thông quốc nội biết Bộ Giao thông - Vận tải không thể tiến hành nghiệm thu dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông do tổng thầu EPC Trung Quốc chưa cung cấp đủ tài liệu để nghiệm thu, cho nên đó là lý do chính khiến dự án không thể khai thác thương mại.

Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước cho biết nguyên nhân do Tổng thầu Trung Quốc thiết kế hồ sơ thi công toàn bộ nhưng trong quá trình thực hiện lại nhiều lần điều chỉnh thiết kế, đặc biệt là hạng mục gói thầu các ga... thêm vào đó, hồ sơ kỹ thuật lại không được quan tâm xử lý kịp thời, dẫn đến việc các gói thầu đã xong những hồ sơ hoàn công, hồ sơ an toàn kỹ thuật tổng thể thiếu hoặc không đầy đủ.

Những thiếu sót này đã được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước phát hiện và yêu cầu chủ đầu tư và tổng thầu Trung Quốc khắc phục vào năm 2013-2015 rồi mới được tiếp tục thi công các phần việc khác. Tuy nhiên đến nay những yêu cầu hoàn thiện vẫn chưa được đáp ứng khiến hồ sơ nghiệm thu còn nhiều thiếu sót.

Đại diện Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, ông Phạm Minh Hà trong buổi báo cáo với lãnh đạo Chính phủ vừa qua cho biết Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước sẽ làm việc với Bộ Giao thông – Vận tải để xem xét các vướng mắc về việc này để đưa ra phương án tháo gỡ.

Ban đầu, dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, dài khoảng 13km, dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Nhưng sau đó, dự án được lùi lại đến năm 2010 mới khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014. Tuy vậy đến nay, sau khoảng 10 lần chậm tiến độ thực hiện, dự án này vẫn chưa thể đi vào vận hành.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng được truyền thông trong nước trích lời tại buổi làm việc hôm 1/10/2019, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, tổng thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ để đưa dự án vào khai thác trong năm 2019.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án là 419 triệu USD, sau khi điều chỉnh phải tăng thêm 250 triệu USD. Nhưng vào năm 2011, đã đội vốn thành 552 triệu USD. Và đến năm 2019 đã thành 886 triệu USD.