Ngân hàng Thế giới: Việt Nam cần cải cách thể chế để tránh bẫy thu nhập trung bình

Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank) khuyến cáo Việt Nam cần phải cải cách thể chế để tránh bẫy thu nhập trung bình và đạt được mục tiêu là quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2045 theo như Nghị quyết Đại hội 13 Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra hồi đầu năm ngoái.

Báo cáo Cập nhật Đánh giá Quốc gia cho Việt Nam của Nhóm Ngân hàng Thế giới, "Để Việt Nam tươi sắc đào xuân? Cải cách thể chế hướng tới thực thi hiệu quả" được công bố hôm 18/5 vừa qua cho biết mô hình phát triển truyền thống của Việt Nam đang đối mặt với những thách thức chính từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sự chậm lại của toàn cầu hoá, Việt Nam trở nên dễ bị ảnh hưởng hơn bởi các cú sốc, đặc biệt là nguy cơ về khí hậu. Các chuyên gia của World Bank cho rằng nhiều yếu tố thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt không còn mới và do đó chìa khoá để thành công chính là cải cách thể chế.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của World Bank tại Việt Nam được thông cáo báo chí của tổ chức này trích lời nhận định:

“GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng năm lần trong ba thập niên qua trong khi thể chế vẫn chưa thích ứng với tốc độ này kể từ khi Đổi Mới được bắt đầu vào những năm cuối thập niên 1980.”

“Một loạt những cải cách thể chế có thể giúp đất nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình bằng cách tăng hiệu quả đối phó với những thách thức nội địa và toàn cầu phức tạp.”

Các chuyên gia của World Bank cho rằng Việt Nam đã thực hiện các ưu tiên phát triển không cân đối. Trong khi việc mở cửa thương mại đã vượt quá mức mong chờ, Việt Nam vẫn đi sau trong khuyến khích tăng trưởng xanh và cải thiện hệ thống hạ tầng cơ sở then chốt của quốc gia. Điều này được giải thích là do nguyên nhân thể chế chưa được cải cách để thích ứng và thường làm ảnh hưởng đến những ưu tiên phát triển.

Các chuyên gia của World Bank kết luận Việt Nam “cần tiếp tục cải cách thể chế với quy mô như từng được triển khai trong thời kỳ Đổi mới của thập kỷ 1980 và thành công như triển khai mở cửa thương mại trong hai thập kỷ qua,” để không bị lỡ nhịp phát triển.