Thế hệ hậu chiến với nỗ lực bảo tồn và quảng bá sách thời Việt Nam Cộng Hoà

Một tổ chức do người Việt Nam sinh ra thời hậu chiến đang nỗ lực sưu tầm, bảo tồn, và quảng bá những cuốn sách được viết dưới thới Việt Nam Cộng Hoà.

Nằm trong khu khuôn viên của trường Đại học Chính trị Quốc gia ở đảo Đài Loan, văn phòng của báo Luật Khoa Tạp Chí rộng chừng 30 mét vuông với nội thất chính là các kệ sách lớn chạy dọc theo bức tường hai bên, còn ở trung tâm đặt một bàn làm việc chỉ đủ chỗ cho bốn người ngồi.

Bất chấp sự khiêm tốn về không gian, căn phòng này chứa đựng một trong những bộ sưu tập sách tiếng Việt vô cùng đặc biệt, những cuốn sách được viết bởi các tác giả sinh sống dưới thời Việt Nam Cộng Hoà.

Trong bối cảnh Việt Nam bước vào dịp kỷ niệm 47 năm thống nhất đất nước, phóng viên của đài Á châu Tự do có dịp tới gặp và trao đổi với ông Trịnh Hữu Long, Tổng biên tập của Luật Khoa Tạp Chí, để tìm hiểu thêm về bộ sưu tập sách có số phận gắn liền với biến cố 30 tháng 4 này.

Ông cho biết hiện đang lưu trữ khoảng 250 đầu sách được viết trong khoảng thời gian giữa năm 1955 và năm 1975 ở miền nam Việt Nam, trong đó có những trước tác của các tác giả nổi tiếng như học giả Nguyễn Văn Bông, và giáo sư Vũ Văn Mẫu.

Nền giáo dục dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà được ông Long cho là “rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam”, và những cuốn sách này theo ông là vô cùng quý giá. Ông nói thêm về lý do của việc sưu tầm và bảo tồn chúng:

“Có hai lý do, một là những cuốn sách này hiện này đang bị cấm lưu hành hoặc bị hạn chế lưu hành ở Việt Nam, công chúng rất khó tiếp cận với những cuốn sách này. Thứ hai là vì những cuốn sách này ngày càng bị thất lạc hoặc xuống cấp. Nếu như chúng ta không bảo tồn thì một ngày nào đó những cuốn sách này sẽ không còn tồn tại nữa. Đó là một chuyện vô cùng đau đớn đối với nền học thuật của chúng ta.”

Sau khi lật đổ chế độ Việt Nam Cộng Hoà, chính quyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã thực hiện chiến dịch đốt sách dưới danh nghĩa “bài trừ văn hoá phẩm đồi trụy-phản động”, sách vở được viết trước giải phóng bị tiêu huỷ hàng loạt.

Bộ sưu tập sách hiện đang được lưu trữ tại văn phòng của Luật Khoa Tạp Chí, theo ông Long là được tổng hợp từ các nguồn cá nhân đến từ khắp nơi, cả trong và ngoài Việt Nam.

Ông cũng cho rằng với hàng triệu người Việt Nam ở hải ngoại, trong đó có nhiều người rời Việt Nam trước và ngay sau chiến tranh, thì lượng sách được viết dưới thời Việt Nam Cộng Hoà vẫn còn rất lớn, tuy nhiên lại đang được lưu trữ tản mát, và sẽ cần nỗ lực và nguồn kinh phí lớn để sưu tầm.

Là một nhà đấu tranh dân chủ, ông Trịnh Hữu Long tin rằng Việt Nam sẽ dân chủ hoá ở trong tương lai, do vậy ông cho rằng việc nghiên cứu những cuốn sách này là cần thiết để chuẩn bị cho kịch bản chuyển dổi thế chế chính trị ở Việt Nam, bởi những cuốn sách này được viết ở thời điểm Việt Nam tiến hành cuộc thử nghiệm dân chủ đầu tiên, chính là thể chế Việt Nam Cộng Hoà.

Dù chiến tranh đã trôi qua gần nửa thế kỷ, nhưng vấn đề hoà hợp hoà giải dân tộc vẫn còn được tranh luận gay gắt mỗi độ 30 tháng 4.

Tự nhận mình là “người miền bắc thuần tuý” do có bố mẹ là đảng viên Đảng Cộng Sản, và sinh trưởng ở vùng nông thôn bắc bộ sau khi chiến tranh đã kết thúc, nhưng ông Trịnh Hữu Long cho biết bản thân đã tìm ra lời giải cho việc hoà hợp, hoà giải giải dân tộc, và sách thời Việt Nam Cộng Hoà là một công cụ hữu hiệu.

Ông nói về vai trò của những cuốn sách này trong vấn đề hoá giải định kiến:

“Tôi tin rằng khi đọc những cuốn sách này các bạn sẽ thấy nó có giá trị, và trân trọng những học giả Việt Nam Cộng Hoà. Các bạn sẽ trân trọng những giảng đường của họ vì đó là những nơi truyền thụ những kiến thức này, và một điều lớn hơn nữa là các bạn sẽ trân trọng nền học thuật và giáo dục của Việt Nam Cộng Hoà vì đó là nền giáo dục coi trọng tính khai phóng và tính tự trị.

Từ đó các bạn sẽ tìm lý do tại sao những cuốn sách này lại ra đời ở miền nam trước năm 1975, và hiện nay tại sao lại bị cấm ở Việt Nam.”

Về kế hoạch sử dụng những cuốn sách mà tổ chức của ông hiện đang lưu trữ, ông Trịnh Hữu Long cho biết trong tương lai sẽ đưa những tài liệu này đến với công chúng Việt Nam qua hình thức số hoá, và sau đó đăng tải lên mạng internet.