VN có thể lệ thuộc nhiều hơn vào sản phẩm xăng dầu của Hàn Quốc khi mà khi năng lực lọc dầu trong nước bị cho là ‘mong manh’.
Mạng báo S&P Global vào ngày 11/2 loan tin với nhận định vừa nêu. Theo đó tình hình tài chính và thực tế thiếu ổn định kéo dài tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa có thể cản trở đáng kể tham vọng tự cung ứng sản phẩm xăng dầu của Việt Nam.
Tin nói các nhà máy lọc dầu Hàn Quốc muốn lợi dụng tình thế này để tăng xuất khẩu xăng dầu sang Việt Nam. Mức tăng được nói lên 50% trong năm nay.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã phải vật lộn với những khó khăn về tài chính kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020.
Đây là công ty liên doanh được thành lập vào tháng 4/2008 do bốn thành viên góp vốn, bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PETROVIETNAM), Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPE), Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI), trong đó PETROVIETNAM (PVN) góp vốn 25,1%.
Việc cắt giảm sản xuất của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vốn chiếm tới 35% nguồn cung xăng dầu ra thị trường hiện nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu mua xăng dầu của các thương nhân kinh doanh xăng dầu.
Trong diễn biến liên quan, vào chiều ngày 11/2, giá xăng tại Việt Nam được cho biết tăng lên gần 1.000 đồng/lít. Mức này được cho là cao nhất trong gần tám năm qua.
Cụ thể, sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 24.571 đồng/lít và xăng RON 95 là 25.322 đồng/lít. Đây là lần thứ ba giá xăng tại Việt Nam tăng liên tiếp kể từ đầu năm đến nay. Mức tăng được ghi nhận là cao nhất kể từ tháng 7/2014.