CÁC CUỘC ĐÀM PHÁN SẰP TỚI VỀ THƯƠNG MẠI GIỮA HOA-KỲ VÀ VN CÓ THỂ GẶP TRỞ NGẠI Nguyễn Khanh

INTRO: Hôm qua tại Hà Nội, đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam là ông Pete Peterson đã lên tiếng cho biết vòng đàm phán thứ 7 giữa hai nước về bản thỏa hiệp mậu dịch có thể sẽ diễn ra vào tháng tới, đồng thời ông đại sứ Hoa Kỳ cũng nói đến một số vấn đề có thể gây trở ngại cho mối quan hệ đôi bên về mặt thương mại. Nguyễn Khanh trình bầy thêm chi tiết trong bài viết mở đầu phần thời sự sáng nay của chúng tôi. Xin mời anh Nguyễn Khanh.VOICE: Xin cám ơn anh Phan Dũng. Thưa quý thính giả, lên tiếng trong bài nói chuyện đọc trước các thương gia Hoa Kỳ đang làm ăn ở Việt Nam, ông Pete Peterson, đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết hai bên có thể sẽ gặp nhau để thảo luận tiếp về bản thỏa hiệp mậu dịch vào tháng tới. Vẫn theo lời ông Peterson, nếu vòng thảo luận này có tiến bộ, vòng thảo luận kế tiếp sẽ diễn ra vào tháng 5 hay tháng 6. Ông cũng nói là ông mong muốn thấy bản thỏa hiệp được ký kết trong năm nay.Có lẽ quý thính giả và anh Phan Dũng còn nhớ là trong vòng 3 năm qua, Washington và Hà Nội đã gặp nhau tổng cộng 6 lần để bản thảo về bản thỏa hiệp, nhưng không đạt được một kết quả nào đáng kể. Trở ngại xảy ra vì nhà cầm quyền Việt Nam từ chối mở cửa thị trường, đồng thời theo các nguồn tin rất đáng tin cậy mà Ban Việt Ngữ chúng tôi ghi nhận được, Hà Nội cũng không chấp thuận cho các thương gia Hoa Kỳ được hưởng những điều kiện đặc biệt hiện đang dành cho giới thương mại trong nước, nhất là những quyền lợi, những ưu đãi mà nhà nước Việt Nam đang dành riêng cho các xí nghiệp quốc doanh.Một trong những trở ngại khác nữa cũng đang được nói tới là việc kể từ đầu năm nay, Hà Nội đã tăng mức thuế nhập khẩu đánh trên các mặt hàng của Hoa Kỳ lên 50%. Các nhà quan sát cũng như các giới chức của Hoa Kỳ cho biết vấn đề này chắc chắn sẽ gây thêm khó khăn cho vòng thảo luận đang được hai bên dự trù diễn ra vào tháng tới.MC: Xin cám ơn anh Nguyễn Khanh. Tại sao Hà Nội lại quyết định tăng thuế nhập khẩu đánh trên hàng của Hoa Kỳ?KHANH: Thưa anh, Hà Nội nói là quyết định không cho Hoa Kỳ hưởng quy chế như các quốc gia khác cho đến khi nào hai bên ký xong hiệp định về thương mại. Một bản tin do hãng thông tấn AP đánh đi từ Việt Nam trích dẫn lời của một viên chức Hoa Kỳ cho hay là cách đây một năm, Hà Nội đã từng bắn tiếng cho biết nếu Hoa Kỳ không ký kết thỏa hiệp thương mại, thì sẽ không được Việt Nam cho hưởng quy chế đặc biệt này.MC: Khi được tin này, phản ứng của Washington như thế nào?KHANH: Bản tin của AP cho hay là các viên chức Hoa Kỳ đã nói chuyện với Hà Nội, yêu cầu đừng làm chuyện này, vì chỉ gây thêm bất lợi cho mối quan hệ giữa hai nước. Rất tiếc là Hà Nội không đồng ý, và do đó, vấn đề bây giờ trở nên khó khăn hơn.MC: Nhưng hình như phía Việt Nam nói là họ áp dụng mức thuế nhập khẩu mới không phải chỉ với Hoa Kỳ, mà còn với một số nước khác, điều này có đúng không?KHANH: Thưa anh đúng. Việt Nam áp dụng mức thuế nhập khẩu mới đối với hàng hóa của Nhật Bản nữa, và chính phủ Nhật hiện cũng đang ngạc nhiên khi thấy Hà Nội làm chuyện này. Các viên chức đặc trách thương mại Nhật Bản nói là mặc dù hai bên, tức Tokyo và Hà Nội, chưa ký thỏa hiệp thương mại, nhưng chính phủ Nhật đang cho Việt Nam được hưởng mức thuế rất đặc biệt, dành cho các nước đang phát triển. Do đó, Nhật tưởng là khi họ bầy tỏ thiện chí thì sẽ được Việt Nam đáp ứng lại. Rất tiếc là dự đoán của Nhật Bản đã sai.MC: Nói chuyện thiện chí, nếu tôi nhớ không lầm thì vào tháng 7 năm ngoái, cũng nhằm mục đích bày tỏ thiện chí, Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã tạm thời bãi bỏ áp dụng tu chính Jackson-Vanik đối với Việt Nam, tức tạo cơ hội để có thể giúp đỡ cho các nhà đầu tư Mỹ khi họ làm ăn ở Việt Nam ẦKHANH: Thưa anh đúng. Quả thật là hôm mùng 3 tháng 6 năm ngoái, giữa lúc Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn vì mức đầu tư của người ngoài giảm, Tổng Thống Hoa Kỳ đã quyết định tạm thời bãi bỏ tu chính án Jackson-Vanik như anh vừa nói. Chuyện này cũng được ông đại sứ Hoa Kỳ nhắc lại trong bài nói chuyện của ông ngày hôm qua. Ông đại sứ Peterson còn cho hay là quyết định của Tổng Thống Hoa Kỳ chỉ có hiệu lực trong vòng một năm, do đó, sẽ được quốc hội đem ra thảo luận trở lại vào đầu mùa hè năm nay. Ông đại sứ Mỹ cũng cho hay là theo nhận xét riêng của ông vấn đề sẽ trở nên khó khăn hơn, vì những người cầm đầu các tiểu ban và ủy ban đặc trách cứu xét ở quốc hội liên bang đã thay đổi, và có một lý do mà ông không muốn nói ra nhưng ai cũng biết là chuyện Việt Nam không mở cửa thị trường lại còn đánh thuế nhập khẩu cao trên các mặt hàng của Mỹ, chắc chắn sẽ là những trở ngại mà các nhà lập pháp ở Hoa Kỳ phải để ý tới và đem ra thảo luận trước nghị trường.MC: Các nhà quan sát dự đoán như thế nào về vòng thảo luận săép đến giữa hai nước?KHANH: Thưa anh và thưa quý vị thính giả, hầu hết các nhà quan sát đều nói là theo những gì đã xảy ra trong quá khứ và những chuyện đang xảy ra hiện giờ, thì rất khó để mà đưa ra một nhận định lạc quan cho vòng thảo luận sắp đến. Các nhà quan sát cũng nhắc lại là nếu bản thỏa hiệp thương mại không thành hình thì Việt Nam khó có thể được Hoa Kỳ yểm trợ để gia nhập vào Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới, và đương nhiên, vẫn bị Washington từ chối không cho hưởng quy chế tối huệ quốc.MC: Xin cám ơn anh Nguyễn Khanh.