THƯỢNG ĐỈNH ASEAN 1998 KẾT THÚC NGÀY HỌP ĐẦU TIÊN TẠI HÀ NỘI.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN đã kết thúc ngày họp đầu tiên ở Hà Nội, với những dấu hiệu cho thấy các nước hội viên của tổ chức đang phải đối đầu với những bất đồng về chính sách và đường hướng hoạt động chung, bất kể lời kêu gọi đoàn kết mà Thủ Tướng Phan Văn Khải của Việt Nam và các vị nguyên thủ của những nước khác đã đưa ra trong bài diễn văn khai mạc.Trong bài diễn văn này, ông Khải nói là ASEAN hiện đang phải đối phó với tình trạng khủng hoảng về kinh tế và tài chánh, do đó, hơn bao giờ hết, sự đoàn kết nhất trí của các nước hội viên là điều cần thiết phải có.Tổng Thống Estrada của Philippines trong bài diễn văn của ông cũng nhìn nhận là ASEAN hiện đang phải đối đầu với những thử thách nặng nề hơn bao giờ hết, trong suốt quá trình 31 năm, tính từ ngày tổ chức được thành lập cho đến nay. Vẫn theo lời Tổng Thống Philippines, tình trạng hiện nay khiến cho quốc tế ngờ vực tinh thần, sự đoàn kết cũng như khả năng của tổ chức, và đã đến lúc nên đem các vấn đề này ra thảo luận tại hội nghị.Nhận định này đã được Thủ Tướng Mahathir Mohamad của Malaysia tán thành, khi ông lên tiếng trình bầy là những trở ngại và các biến chuyển đang xảy ra trong vùng khiến cho người ta nghĩ rằng tổ chức không đoàn kết với nhau như trước, và có nhiều quốc gia hội viên đang chống đối lẫn nhau.Thủ Tướng Ngô Tác Đống của Singapore thì cho là ngay cả một số nước đối thoại với ASEAN cũng đang ngờ vực về tương lai của tổ chức, và bắt đầu không coi trọng như trước. Ông nhấn mạnh là ở Hội Nghị năm nay, ASEAN phải chứng tỏ cho cộng đồng thế giới thấy tinh thần đoàn kết của các nước hội viên.Một trong những vấn đề đang gây trở ngại cho các nước hội viên cũng được nói tới là chính sách không can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác, đã từng được áp dụng từ nhiều thập niên qua. Tướng Than Shwe, người cầm đầu chính quyền quân nhân ở Miến Điện lên tiếng kêu gọi các nước hội viên của ASEAN đừng thay đổi chính sách, và vẫn theo lời ông, chính nhờ không can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác mà ASEAN đoàn kết và bền vững trong suốt hơn 30 năm qua. Lời kêu gọi của ông ngay tức khắc, đã được Thủ Tướng Malaysia lên tiếng tán đồng.Tuy nhiên, một số vị nguyên thủ các nước hội viên khác không hài lòng với lời kêu gọi này, điển hình là Thủ Tướng Chuan Leekpai của Thái Lan. Ông đưa ra thí dụ, nói là khi hàng xóm gặp trở ngại, chúng ta không thể nào cứ làm ngơ, và các nước hội viên của ASEAN có bổn phận bảo giúp đỡ, lo lắng cho nhau, trước khi nhờ đến sự trợ giúp của các nước khác.Tổng Thống Philippines, người trước đây đã từng lên tiếng chỉ trích thái độ của Thủ Tướng Malaysia, thì cho là các nước hội viên của ASEAN có bổn phận phải nuôi dưỡng, bảo vệ dân chủ, và kỳ vọng ASEAN sẽ là một tập hợp những quốc gia dân chủ, nhng chính phủ bởi dân, do dân và vì dân.Hội nghị sau đó đã bàn thảo về đề tài chính là cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay, và làm sao để có thể vượt qua được những khó khăn mà cuộc khủng hoảng này đem lại. Những vấn đề được đem ra thảo luận ngày hôm nay sẽ được đúc kết trong Bản Tuyên Bố Hà Nội Năm 1998, trong đó, các nước hội viên cam kết thể hiện quyết tâm chính trị của ASEAN, ra sức củng cố đoàn kết và hợp tác nhằm sớm phục hồi kinh tế, nhanh chóng khắc phục những khó khăn do khủng hoảng kinh tế-tài chánh gây ra, củng cố hòa bình, tạo ổn định và phát triển trong khu vực.Bên cạnh đó, bản đúc kết Chương Trình Hành Động Hà Nội Thực Hiện Tầm Nhìn ASEAN 2020 cũng sẽ được thông qua. Chương trình này bao gồm những kế hoạch hợp tác trên 10 lãnh vực khác nhau, như tăng cường hợp tác kinh tế, đẩy mạnh đầu tư và thương mại, phát triển nhân lực, thực hiện các dự án phát triển lưu vực sông Mê Kông.Các vị nguyên thủ của những nước trong ASEAN cũng nhắc lại quyết định sẽ thu nhận Cambodia làm hội viên thứ 10 của tổ chức, và buổi lễ thu nhận sẽ diễn ra vào năm tới, cũng ở Hà Nội. Ông Hun Sen đã ở lại để tham dự Hội Nghị, với tư cách là quan sát viên.Vào ngày mai, ASEAN sẽ thảo luận với ba nước trong nhóm đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn. Trong cuộc thảo luận với phó chủ tịch nhà nước Trung Quốc là ông Hồ Cẩm Đào, vấn đề tranh chấp chủ quyền Trường Sa sẽ được nói tới, và trong cuộc thảo luận với Tổng Thống Kim Đại Trung của Nam Hàn, vấn đề đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế, thương mại sẽ là trọng tâm.Riêng trong cuộc gặp gỡ với Thủ Tướng Obuchi của Nhật Bản, ASEAN sẽ được thông báo những chương trình yểm trợ tài chánh do chính phủ Nhật thực hiện, trong nỗ lực nhằm giúp các quốc gia trong vùng Châu Á sớm phục hồi kinh tế.