Máy bay quân sự của Úc và Trung Quốc đối mặt gần Hoàng Sa

Úc và Trung Quốc đang đổ lỗi cho nhau về một vụ việc gần quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp ở biển Đông

Đọc bản tiếng Anh

Úc và Trung Quốc đang đổ lỗi cho nhau về một vụ việc liên quan đến quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp ở biển Đông.

Hôm 11/2, máy bay tuần tra biển P-8A Poseidon của Không quân Hoàng gia Úc đã chứng kiến “sự can thiệp không chuyên nghiệp và nguy hiểm” của máy bay chiến đấu J-16 của Trung Quốc, Lực lượng Quốc phòng Úc ra thông cáo cho biết như vậy.

Máy bay Poseidon P-8A đang thực hiện hoạt động tuần tra giám sát trên biển ở Biển Đông vào lúc đó, thông cáo cho biết.

Úc cho biết máy bay Trung Quốc đã bắn pháo sáng vào sát máy bay của Úc.

“Đây là hành động không chuyên nghiệp và nguy hiểm đối với máy bay và những người trên máy bay” - Bộ Quốc phòng Úc cho biết.

Không có thành viên nào trên máy bay Úc bị thương trong vụ việc này và máy bay không bị hư hại nhưng Úc nói nước này “hy vọng các quốc gia bao gồm cả Trung Quốc nên vận hành quân đội của mình theo cách chuyên nghiệp và an toàn”.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles nói với Sky News rằng máy bay J-16 của Trung Quốc “đã rất gần đến mức không có cách nào bạn có thể đảm bảo là pháo sáng không trúng vào máy bay P-8.”

“Nếu bất cứ phát pháo sáng nào bắn trúng máy bay P-8, nó chắc chắn đã gây ra những hư hại đáng kể cho máy bay,” - ông nói.

Pháo sáng, khi được bắn từ máy bay ở cự ly gần, có thể đi vào động cơ và khiến máy bay rơi. Tuy nhiên pháo sáng vẫn thường được Không quân quân giải phóng nhân dân Trung Hoa sử dụng đối với các phương tiện nước ngoài.

Vào tháng 5/2024, Úc cũng đã phản đối Trung Quốc sau khi một chiến đấu cơ của Trung Quốc bắn pháo sáng sát trực thăng của Úc ở vùng biển quốc tế thuộc Hoàng hải.

Vào tháng 10/2023, một máy bay Trung Quốc cũng bắn pháo sáng vào trực thăng của Canada ở Biển Đông.

Trang chấp ở quần đảo Hoàng Sa

Trung quốc đã bác bỏ những cáo buộc mới đây của Úc, nói rằng máy bay quân đội Úc “cố tình xâm nhập vào vùng trời của Trung Quốc trên quần đảo Tây Sa”.

Tây Sa là tên Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa mà hiện cả Việt Nam và Đài Loan đều khẳng định có chủ quyền.

Quần đảo này do Bắc Kinh kiểm soát kể từ năm 1974 khi quân Trung Quốc chiếm được quần đảo từ Nam Việt Nam trong một trận hải chiến khiến 74 lính Việt Nam Cộng Hoà tử trận.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun nói hoạt động của máy bay Úc đã “vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và gây hại đến an ninh quốc gia.”

“Phản ứng của Trung Quốc để cảnh báo máy bay Úc là hợp lệ, hợp pháp, chuyên nghiệp và kiềm chế” - ông Guo nói. “Thông điệp của chúng tôi là khá rõ ràng: chấm dứt gây hấn và xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, ngừng việc biến Biển Đông thành nơi kém hoà bình và ổn định hơn.”

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Zhang Xiaogang cáo buộc Úc đã “lan truyền luận điệu sai trái.”

“Điều này cho thấy là máy bay quân đội Úc đã lờ đi tuyến đường chính ở Biển Đông và xâm nhập vào nhà của người khác,” - Zhang nói với các phóng viên báo chí.

“Việc Trung Quốc đuổi họ đi là hoàn toàn hợp lý, hợp pháp và hơn là trách móc, và là một sự phòng vệ đúng đắn đối với chủ quyền và an ninh quốc gia” - ông nói thêm.

Hoạt động tuần gia của máy bay P-8A Poseidon là hoạt động bình thường và không vi phạm các quy định, Abdul Rahman Yaacob - nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Lowy của Úc nhận định.

“Úc có quyền lợi đối với khu vực hàng hải mở và tự do vì là một quốc gia đảo”, ông Rahman nói với RFA. “Quần đảo Hoàng Sa cũng là một vùng đang có tranh chấp, việc Trung Quốc đòi chủ quyền đối với quần đảo đã bị toà trọng tài quốc tế bác bỏ trong phán quyết năm 2016 nên về mặt luật pháp, Trung Quốc không có quyền để phản ứng mạnh như vậy.”