Quân đội Trung Quốc tuần tra bãi cạn Scarborough khi căng thẳng gia tăng

Bắc Kinh đã và đang tiến hành các cuộc diễn tập chiến đấu cường độ cao trong và ngoài khu vực Biển Đông.

Máy bay chiến đấu Su-30 của Trung Quốc tham gia cuộc tuần tra chiến đấu tại khu vực bãi cạn Scarborough ở Biển Đông vào ngày 27/2/2025. Nguồn ảnh: Bộ Tư lệnh Chiến khu  miền Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Máy bay chiến đấu Su-30 của Trung Quốc tham gia cuộc tuần tra chiến đấu tại khu vực bãi cạn Scarborough ở Biển Đông vào ngày 27/2/2025. Nguồn ảnh: Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). (PLA Southern Theater Command/RFA)

Đọc thêm bản gốc Tiếng Anh

Quân đội Trung Quốc vừa tiến hành một cuộc diễn tập sẵn sàng chiến đấu mới xung quanh một điểm nóng xung đột với Philippines ở Biển Đông - Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của nước này cho biết. Đây một trong một chuỗi các cuộc tập trận quân sự mà Bắc Kinh đã và đang tiến hành trong khu vực.

Trong một tuyên bố, Bộ tư lệnh này cho biết, trong trong ngày thứ Năm (27/2), đã “tổ chức cho lực lượng hải quân và không quân thực hiện các cuộc tuần tra sẵn sàng chiến đấu trong vùng lãnh hải và không phận của đảo Hoàng Nham và các khu vực xung quanh”. Hoàng Nham (Huangyan) là tên gọi của bãi cạn Scarborough trong tiếng Trung Quốc – một thực thể đang tranh chấp giữa nước này và Philippines.

Bãi cạn Scarborough, phía Philippines gọi là “Bajo de Masinloc”, từ lâu đã là ngư trường truyền thống của nhiều thế hệ ngư dân địa phương. Thực thể này nằm sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, chỉ cách đảo Luzon lớn 125 hải lý (232 km).

Tuy nhiên, Trung Quốc thường tuyên bố có quyền lịch sử đối với bãi cạn này vì nó nằm trong cái gọi là “đường chín đoạn” mà họ đã vẽ trên bản đồ. Tàu thuyền của hai nước đã và đang có các cuộc đối đầu tại đây.

Từ đầu tháng 2/2025, các lực lượng của Tư lệnh Chiến khu miền Nam đã và đang tiến hành các cuộc diễn tập xung quanh bãi cạn Scarborough nhằm “tăng cường kiểm soát hơn nữa các vùng biển và không phận có liên quan, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia đồng thời kiên quyết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông” - tuyên bố này khẳng định.

Quân đội Trung Quốc cũng công bố một đoạn video về cuộc tuần tra chiến đấu diễn ra hôm thứ Năm. Theo đó, có ít nhất hai tàu chiến và một số máy bay, bao gồm cả máy bay chiến đấu và máy bay ném bom, đang hoạt động tại khu vực bãi cạn Scarborough.

Phía quân đội Philippines vẫn chưa đưa ra phản ứng gì về các cuộc tuần tra của Trung Quốc.

Máy bay quân sự Trung Quốc trong cuộc tuần tra chiến đấu trên bầu trời bãi cạn Scarborough ở Biển Đông ngày 27/2/2025.  Nguồn ảnh: Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của PLA.
Máy bay quân sự Trung Quốc trong cuộc tuần tra chiến đấu trên bầu trời bãi cạn Scarborough ở Biển Đông ngày 27/2/2025. Nguồn ảnh: Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của PLA. Máy bay quân sự Trung Quốc trong cuộc tuần tra chiến đấu trên bầu trời bãi cạn Scarborough ở Biển Đông ngày 27/2/2025. Nguồn ảnh: Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của PLA. (PLA/RFA)

Tuần trước, Manila cáo buộc một máy bay trực thăng quân sự Trung Quốc đã bay nguy hiểm trong khu vực bãi cạn, chỉ cách một máy bay của Philippines khoảng 3 mét.

“Hành động liều lĩnh này gây rủi ro nghiêm trọng đến sự an toàn” của phi công và hành khách Philippines - Manila nhấn mạnh.

Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động quân sự

Cũng trong hôm thứ Năm (27/2), Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã hoàn thành cuộc diễn tập bắn đạn thật kéo dài bốn ngày tại Vịnh Bắc Bộ - khu vực mà Việt Nam và Trung Quốc có chung chủ quyền. Cuộc diễn tập này được công bố ngay khi Hà Nội đưa ra tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam trong vùng vịnh này.

Trong hôm thứ Tư (26/2), Bắc Kinh đã bất ngờ và đơn phương chỉ định một khu vực phục vụ việc diễn tập bắn đạn thật chỉ cách thành phố cảng Cao Hùng của Đài Loan 40 hải lý (74 km). Quân đội Đài Loan ngay lập tức đã phải triển khai các lực lượng hải quân, không quân và lục quân đồng thời lên tiếng chỉ trích động thái này của Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Đài Loan, hôm thứ Sáu, khẳng định rằng: Bắc Kinh “đã và đang gia tăng các mối đe dọa quân sự” và đã trở thành “kẻ gây rối lớn nhất” trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tuy cuộc diễn tập bắn đạn thật này vẫn chưa diễn ra nhưng các nhà phân tích đã lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm của việc tiến hành tập trận quân sự không có thông báo trước. Cuối tuần trước đã diễn ra một vụ việc tương tự tại vùng biển giữa Australia và New Zealand.

Tàu hộ vệ Sanya (574) của Trung Quốc trong cuộc tuần tra chiến đấu tại bãi cạn Scarborough ở Biển Đông ngày 27/2/2025. Nguồn ảnh: Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của PLA
Tàu hộ vệ Sanya (574) của Trung Quốc trong cuộc tuần tra chiến đấu tại bãi cạn Scarborough ở Biển Đông ngày 27/2/2025. Nguồn ảnh: Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của PLA Tàu hộ vệ Sanya (574) của Trung Quốc trong cuộc tuần tra chiến đấu tại bãi cạn Scarborough ở Biển Đông ngày 27/2/2025. Nguồn ảnh: Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của PLA (PLA /RFA)

“Các cuộc diễn tập bắn đạn thật này là một sự phô diễn cho thấy các lực lượng quân sự Trung Quốc có thể cắt đứt các liên kết hàng không và hàng hải giữa Úc và New Zealand bất cứ lúc nào mà không có cảnh báo” – bà Anne-Marie Brady, giáo sư tại Đại học Canterbury ở Christchurch, New Zealand, viết.

Đây là “một cuộc thị uy sức mạnh hàng hải ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc ở khu vực Tây Nam Thái Bình Dương đồng thời nhằm mục đích bình thường hóa sự hiện diện của PLA tại đây” – giáo sư Brady viết trên tờ The Diplomat.

Giáo sư Carl Thayer – một chuyên gia khu vực tại Đại học New South Wales (Australia) cho rằng các cuộc tập trận trong khu vực của Trung Quốc trong tuần qua là một ví dụ rõ ràng về hành động đe dọa quân sự của nước này.

“Với việc tiếp tục bắt nạt Philippines, Bắc Kinh đang gửi một thông điệp đến các quốc gia trong khu vực cũng như chính quyền của Tổng thống Trump rằng: Họ sẽ bảo vệ các quyền chủ quyền và lợi ích của mình bất cứ khi nào bị thách thức” – chuyên gia này nói với Đài Á Châu Tự Do.

Biên tập bởi Mike Firn.