Theo South China Morning Post, Trung Quốc đã cho quân của lực lượng hải cảnh đổ bộ lên đá Hoài Ân, thuộc cụm đảo Thị Tứ, ở quần đảo Trường Sa, để “tuyên bố chủ quyền”.
Bức hình được truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải cho thấy bốn quân nhân thuộc lực lượng hải cảnh Trung Quốc căng cờ của nước này trên đá Hoài Ân.
Đây là hành động điển hình nhằm thể hiện tuyên bố chủ quyền.
Cũng giống như Việt Nam, lực lượng hải cảnh Trung Quốc thuộc quyền chỉ huy của Bộ Quốc phòng, do vậy, bộ phận này là một nhánh của lực lượng vũ trang, chứ không phải một cơ quan dân sự.
Đá Hoài Ân thuộc quần đảo Trường Sa, điều này có nghĩa thực thể này nằm trong phạm vi tuyên bố chủ quyền của Việt Nam. Ngoài ra, Philippines và Trung Quốc cũng là hai nước có tuyên bố chủ quyền đối với bãi đá này.
Tháng 3 năm 2024, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với đá Hoài Ân, tên Tiếng Anh là Sandy Cay.
Phía Trung Quốc tiết lộ sự việc này xảy ra vào khoảng giữa tháng Tư, nhưng không cho biết ngày cụ thể. Tuy nhiên phải đến ngày 25 tháng 4, thông tin về vụ việc mới được công bố.
Trùng hợp là ngày 25 tháng 4 cũng là lúc 118 quân nhân Trung Quốc tới Việt Nam để tham dự hoạt động diễu binh nhằm kỷ niệm 50 thống nhất đất nước.
“Điều đáng nói là sự việc diễn ra vào giữa tháng 4, nhưng phải đến bây giờ, truyền thông TQ mới đưa tin. Không thể nói không có ẩn ý.” Tiến sĩ Phạm Thanh Vân, người sáng lập Dự án Đại Ký sự Biển Đông, viết trên trang Facebook cá nhân về sự trùng hợp giữa thời điểm Trung Quốc công bố thông tin lực lượng của họ đổ bộ lên đá Hoài Ân, với thời điểm quân nhân của họ tới Tp. HCM.
Trao đổi với RFA, ông Nguyễn Thế Phương, chuyên gia nghiên cứu lịch sử hải quân Việt Nam, cho biết:
“Đối với Trung Quốc, Việt Nam mời họ gửi binh lính tới diễu binh thì họ tới diễu binh. Nhưng ngoài biển Đông, cần hung hăng thì cứ hung hăng thôi.
Với Trung Quốc thì hai động thái này không có mâu thuẫn mà đúng những gì Trung Quốc lâu nay vẫn làm. Họ gửi lính tới theo lời mời của Việt Nam, khẳng định vai trò lịch sử của họ, đồng thời vẫn đi các nước cờ cần thiết cho họ ở Biển Đông."
Về tính thời điểm, ông Phương nói “cũng có thể Trung Quốc làm việc này đúng trong dịp lễ kỉ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh của Việt Nam thì có khả năng Việt Nam sẽ không phản ứng quá mạnh mà chờ qua dịp lễ mới phản ứng. Đó có thể là tính toán của họ.”