Báo chí cách mạng bắt đầu “tán hươu, tán vượn” về vị trí của Việt Nam trong “chuỗi cung ứng toàn cầu” [1] sau khi ông Tô Lâm chỉ trích về “năng lực nghiên cứu và phát triển” của quốc gia, khiến Việt Nam không thể tự chủ về công nghệ.
Những số liệu trước nay vẫn được Đảng CSVN cũng như chính quyền Cộng hòa XHCN Việt Nam sử dụng để tô vẽ cho chính mình (đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh, đứng thứ năm thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính, đứng thứ sáu thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính, đứng thứ bảy thế giới về gia công phần mềm, đứng thứ tám thế giới về thiết bị linh kiện điện tử) đã bị ông Tô Lâm lật ngược trước cả thực tế lẫn viễn cảnh “Việt Nam trở thành cứ điểm ‘lắp ráp - gia công’, là bãi rác về công nghệ của thế giới” và xét một cách sòng phẳng thì chẳng là gì trong “chuỗi cung ứng toàn cầu”[2].
Nếu chịu khó theo dõi chính trị - kinh tế - xã hội Việt Nam trong vài thập niên vừa qua hoặc chịu khó sử dụng Google để tìm kiếm - đối chiếu, hẳn sẽ nhận ra những vấn đề ông Tô Lâm đề cập không có gì mới. Chúng đã được các tổ chức, chuyên gia và doanh nhân ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam cảnh báo liên tục suốt từ đầu thập niên 2010 đến nay, kèm theo rất nhiều đề nghị. Tuy nhiên những ý kiến thẳng thắn đó chưa bao giờ được giới hữu trách tại Việt Nam tiếp nhận một cách chân thành và nghiêm túc, thành ra đường lối – chính sách chưa bao giờ được điều chỉnh. Thậm chí không ít công dân Việt Nam còn gặp rắc rối bởi bị quy kết là “cơ hội, bất mãn” nên “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, lâm cảnh tù tội vì “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước” hoặc “tuyên truyền chống nhà nước”...
------------
Nghị định 168: Tô Lâm, đèn đỏ và viễn cảnh... “tắc tử”
Nghị định 168: Tính toán sai lầm của ông Tô Lâm
Việt Nam có học tập được mô hình Singapore?
------------
Hãy lấy chính ông Tô Lâm làm ví dụ, trước “Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ sáu” diễn ra tại Hà Nội hôm 15/1/2025, ông Tô Lâm còn ra rả lập lại những luận điệu, đại ý: Phải tự hào về thành quả của 40 năm đổi mới bởi chúng thể hiện sự tiến bộ trên thế giới, mang lại tương quan chung giữa các lực lượng tiến bộ”. Đồng thời yêu cầu không được quên nhận định của người tiền nhiệm: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” [3].
Khoan bàn đến chuyện ông Tô Lâm bị ai hay thứ gì... “nhập” mà đột nhiên đòi “nhìn sâu vào bản chất” những thứ vốn vẫn được chính ông và đồng đảng tuyên truyền như thành tựu vì có dấu hiệu đã “ngộ nhận”, đã “tự huyễn hoặc”, đã “tự ru mình” mà nên xét xem, với Tổng Bí thư như ông Tô Lâm và với tổ chức chính trị đang lãnh đạo Việt Nam một cách toàn diện, tuyệt đối như đảng CSVN, liệu Việt Nam có khả năng trở thành quốc gia tận dụng tốt tiềm năng của công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số” để công nghệ số trở thành ngành công nghiệp phát triển bền vững?
Câu trả lời là KHÔNG và lý do nằm ở chính ông Tô Lâm lẫn đảng của ông! Hãy lấy số phận như chỉ mành treo trước gió của TikTok tại Mỹ làm ví dụ. TikTok bị chính phủ Mỹ - nơi có khoảng 170 triệu người dùng ứng dụng - cấm và lệnh được Tòa Tối cao của Mỹ tán thành. Cho dù ông Donald Trump – tân Tổng thống Mỹ tạm hoãn thi hành lệnh cấm trong 75 ngày song điều đó không có nghĩa là TikTok thoát nạn. Theo giới thạo tin, nếu muốn tiếp cận người Mỹ, ByteDance (doanh nghiệp sở hữu TikTok) phải nhượng quyền sở hữu mảng dịch vụ ở Mỹ cho doanh nghiệp Mỹ [4].
Đã có khá nhiều người, nhiều nơi bình luận về việc chính phủ Mỹ cấm ứng dụng TikTok, trong đó có Nguyễn Quốc Tấn Trung (Nghiên cứu sinh tiến sĩ về Công pháp quốc tế ở Đại học Victoria – Canada, hiện đang làm việc tại Học viện Luật quốc tế The Hague ở Hà Lan). Bài của ông Trung về chuyện TikTok bị cấm tại Mỹ viết bằng tiếng Việt, tuy ngắn gọn nhưng đầy đủ, dễ hiểu [5] và có thể tóm tắt thế này: Do luật pháp Trung Quốc cho phép chính quyền Trung Quốc trích xuất và kiểm soát không giới hạn lượng thông tin mà các công ty Trung Quốc sở hữu nên Mỹ muốn ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok tại Mỹ để chính phủ Trung Quốc không thể thu thập và lạm dụng thông tin của người Mỹ nói riêng và Mỹ nói chung. Chính luật pháp và cách thức hành xử của Trung Quốc trên thực tế đã khiến lệnh cấm TikTok không bị xem là vi phạm tự do ngôn luận!
Đó cũng là lý do ngoài Mỹ, còn có nhiều quốc gia khác cấm TikTok hoàn toàn như Albania, hoặc cấm nhân viên trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền sử dụng TikTok như Quốc hội châu Âu, Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu, Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy, Estonia, Úc, Tân Tây Lan, Ấn Độ, Pakistan, Đài Loan, Canada [6]. Nhìn một cách tổng quát, nỗ lực ép các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin – viễn thông “hợp tác vô điều kiện” với chính phủ Trung Quốc chính là “quả báo nhãn tiền” nên hết Huawei, tới TikTok...
Trở lại với Việt Nam – vốn chẳng khác gì một bản sao của Trung Quốc về đường lối, chính sách quản trị, điều hành xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực thông tin, hoặc do thiếu hiểu biết, hoặc do muốn tự tô vẽ để trở thành nhân vật tiên phong trong việc xây dựng “kỷ nguyên mới” nên ông Tô Lâm mới đòi các doanh nghiệp trong nước thoát khỏi tình trạng chỉ có khả năng cung cấp dịch vụ an ninh, suất ăn công nghiệp, xử lý rác thải,... Dựa vào đâu để tin người khởi xướng và chỉ đạo xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mã số định danh, hộ chiếu, căn cước,... với đủ thứ bất cập như đã biết và đang thấy, đột nhiên có đủ tâm và tầm để dẫn dắt xứ sở “phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, bền vững, xã hội số toàn diện, tiên tiến, bản sắc”?
Dựa vào đâu để tin hệ thống trước nay luôn bất chấp khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, các chính phủ, các chuyên gia, các doanh nhân trong và ngoài Việt Nam, thản nhiên áp đặt những quy định quái đản của Luật An ninh mạng (phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam, phải cung cấp dữ liệu cá nhân mà không cần sự đồng ý của người dùng,..) sẽ được các chính phủ, các tập đoàn nước ngoài ủng hộ việc tiếp tục chà đạp những chuẩn mực quốc tế về quyền tự do thông tin, quyền riêng tư, tính minh bạch để trở thành nền kinh tế số?
***
Sau các quy định về bảo vệ dữ liệu chung (EU’s General Data Protection Regulation - GDPR) năm 2018, Liên Âu ban hành Đạo luật về Trí tuệ nhân tạo (EU Artificial Interlligence Act – EU AI Act). EU AI Act không chỉ có hiệu lực đối với các thành viên mà còn đòi hỏi các quốc gia, doanh nghiệp bên ngoài châu Âu phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về bảo mật, minh bạch, quản lý - kiểm soát nguồn dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư nếu muốn thiết lập, duy trì quan hệ thương mại và hợp tác công nghệ với các thực thể ở châu Âu.
Với những quy phạm pháp luật hiện hành trong Luật An ninh mạng, hay Nghị định 147/2024 (đòi hỏi các nền tảng xuyên biên giới chẳng hạn Facebook, Google,... phải gỡ bỏ nội dung vi phạm trong vòng 24 giờ và áp dụng biện pháp khóa tài khoản vi phạm theo yêu cầu từ cơ quan chức năng) [7],... doanh nghiệp Việt Nam có khả năng hợp tác với những ai và những ai chịu hợp tác với Việt Nam, quan hệ hợp tác, tiến trình phát triển mãi mãi suôn sẻ, không gặp những trục trặc kiểu như Huawei, TikTok?
Tuy không từ trên trời rơi xuống nhưng ông Tô Lâm chẳng khác gì nhân vật Maika trong bộ phim “Cô gái từ trên trời rơi xuống) do Tiệp Khắc sản xuất hồi cuối thập niên 1970: Không hiểu gì về cảm xúc và cách thức hành xử của con người. Tuy nhiên khác với Maika (hết sức thông tuệ và có khả năng tạo ra các bản sao với hình dạng, tính năng hệt như vật chủ) và tử tế, dễ thương, ông Tô Lâm bộc lộ sự ngây ngô với nhiều thứ mà lẽ ra một người bình thường phải biết theo kiểu không tử tế và cũng chẳng dễ thương chút nào!
*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA.