Nghiêm khắc với cựu đại biểu quốc hội
Vừa qua, hai cựu đại biểu quốc hội đã phải nhận các bản án tù nặng nề. Trong khi ông Lê Thanh Vân bị tuyên phạt bảy năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, thì ông Lưu Bình Nhưỡng bị tuyên 13 năm tù với cáo buộc dùng danh nghĩa đại biểu Quốc hội để tác động, can thiệp chính quyền, tòa án và nhận 300.000 đô la để giúp một số doanh nghiệp.
Bản án của ông Nhưỡng bị cho là rất nặng cho dù tại tòa, ông Nhưỡng cho biết rất ăn năn và thừa nhận việc nhận tiền là sai phạm. Vợ ông Nhưỡng cũng đã tới Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình nộp 300.000 đô la khắc phục hậu quả cho chồng sau khi ông Nhưỡng bị bắt. Trong khi bản án của ông Vân còn khiến dư luận bất bình hơn, khi cáo trạng được dùng để buộc tội ông bị luật sư cho là “sai sự thật”.
Theo cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tác giả của chiến dịch đốt lò thì “cán bộ nào đã có sai phạm rồi tự giác xin thôi, tự giác xin nộp lại tiền thì miễn xử hoặc xử nhẹ”. Ngoài ra, Điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự cũng quy định người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả được xem là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Bản án tù của hai vị cựu đại biểu quốc hội này đang gây nhiều bàn luận trong công luận, bởi hai vị này từng có những tiếng nói mạnh mẽ nơi nghị trường quốc hội; từng lên tiếng chỉ trích Bộ công an và những khuyết tật của thể chế chính trị hiện hành.
“Luật pháp ở Việt Nam không công bằng đâu. Hiến pháp quy định mọi công dân bình đẳng trước pháp luật. Nhưng qua vụ xử ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân cho thấy không công bằng. Người ta xử ông có mục đích chính trị là trả thù, trả đũa vì các ông này có thái độ phản biện, phê phán Bộ công an và phê phán thể chế này.
Trong khi đó, với những vị lãnh đạo cấp cao như cựu thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; cựu chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thì lại không bị làm rõ mà chỉ nói là vi phạm những điều đảng viên không được làm. Những điều đó là gì dân không được biết. Dân rất thắc mắc và không tin tưởng vào hệ thống luật pháp nữa”. Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn nói với RFA.
Nhân đạo với cựu quan chức
Trong khi nhà nước tỏ ra nghiêm khắc với các cựu đại biểu quốc hội bằng các bản án nặng nề, thì đối với các cựu quan chức phạm tội tham nhũng, cách đối xử lại nhân đạo hơn rất nhiều.
Mới đây nhất là các trường hợp của cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, bị xử 30 tháng tù treo với tội có hành vi lợi dụng chức vụ trong vụ siêu dự án Đại Ninh có tổng vốn đầu tư lên đến hơn 25.000 tỷ đồng. Và cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cũng chỉ bị 30 tháng tù treo trong sai phạm tại dự án Hạc Thành Tower gây thiệt hại gần 56 tỷ đồng.
Nếu pháp luật không được áp dụng nhất quán và công bằng, niềm tin của người dân vào chế độ sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Điều này có nguy cơ dẫn đến sự mất đoàn kết xã hội và nghi ngờ về tính chính danh của các cơ quan nhà nước. Luật sư Vũ Đức Khanh
Theo một nhà quan sát yêu cầu ẩn danh ở Hà Nội, sở dĩ ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân có mức án cao như vậy vì nhà nước hiện nay chú trọng sức ảnh hưởng của họ lên công chúng hơn là số tiền tham nhũng hay thất thoát.
“Chu Ngọc Anh hay Mai Tiến Dũng, hay các lãnh đạo khác thật sự không nguy hiểm cho chế độ vì họ không bao giờ tấn tấn công vào hệ thống của đảng. Trong khi đó, ông Lưu Bình Nhưỡng ông Lê Thanh Vân tuy có vi phạm ở bên trong, nhưng bên ngoài, với vai trò của một vị dân cử họ tấn công vào lực lượng công an, nêu những cái khuyết điểm của Bộ công an, nêu những bất cập trong vận hành của thể chế và họ trình bày trước diễn đàn quốc hội.” Vị này nói.
Nhà quan sát này cũng cho rằng, Bộ công an đã “ghim” hai vị này từ rất lâu và nay là lúc để trả đũa. Hai ông này vĩnh viễn không còn cơ hội nói trước Quốc hội và những đại biểu Quốc hội khác cũng nhìn vào đó mà không dám hạch sách Bộ công an.
Theo chia sẻ của một số người dân, cách hành xử của đảng và nhà nước thông qua tòa án kết tội nặng hai vị cựu đại biểu Quốc hội khiến dân không tin vào hệ thống tư pháp; không tin vào việc chống tham nhũng “không có vùng cấm” nữa.
Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng, cần có các cơ chế giám sát độc lập để đảm bảo rằng các vụ án liên quan đến quan chức cấp cao không bị thiên vị hoặc chịu ảnh hưởng chính trị. Chỉ khi các nguyên tắc này được tôn trọng, xã hội Việt Nam mới có thể tiến tới một nền pháp trị thực sự, nơi mọi người dân đều tin tưởng vào sự công bằng của pháp luật.
“Nếu pháp luật không được áp dụng nhất quán và công bằng, niềm tin của người dân vào chế độ sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Điều này có nguy cơ dẫn đến sự mất đoàn kết xã hội và nghi ngờ về tính chính danh của các cơ quan nhà nước”. Luật sư Vũ Đức Khanh nói với RFA.
Chống tham nhũng dưới thời Tô Lâm
Nhà báo Trần Quang Thành từng nói với RFA rằng, ông Trọng đã chọn ông Tô Lâm làm cánh tay phải trong công cuộc chống tham nhũng, và ông Trọng chỉ cho vào lò những đối tượng ông muốn triệt hạ, cho nên việc kiên quyết chống tham nhũng của ông Trọng thực chất là dịp để Tô Lâm triệt hạ những kẻ có thể cản trở ông về quyền lực mà thôi.
“Bộ công an hiện nay là một bộ máy siêu quyền lực. Chống tham nhũng ở đấy mà tham nhũng cũng ở đấy cho nên nó đẻ ra rất nhiều chuyện. Họ thanh trừng lẫn nhau thôi.
Trong bộ máy công an tham nhũng rất nhiều. Hầu như những người có chức có quyền trong Bộ công an đều có những quyền lợi liên quan đến những cơ quan khác. Tôi đã từng chứng kiến những vụ việc mà người trong Bộ công an bao che cho thuộc hạ như thế nào, và tôi từng là nạn nhân của ngành công an. Vì thế tôi hoàn toàn không tin!”, Nhà báo Trần Quang Thành kết luận.
Nay ông Trọng đã ra đi và chiến dịch đốt lò của ông Trọng bị nhiều nhà quan sát nhận định là thất bại. Chiến dịch phơi bày cho người dân thấy tham nhũng ngày càng nhiều và số tiền tham nhũng ngày càng lớn.
Lúc sinh thời, ông Nguyễn Phú Trọng luôn đau đáu, trăn trở với việc xây dựng, chỉnh đốn đảng, chống tham nhũng, tiêu cực. Người kế nhiệm ông Trọng là ông Tô Lâm, cựu Bộ trưởng công an sẽ làm gì công cuộc chống tham nhũng, được coi là một khuyết tật của thể chế hiện nay?
Tôi đã từng chứng kiến những vụ việc mà người trong Bộ công an bao che cho thuộc hạ như thế nào, và tôi từng là nạn nhân của ngành công an. Vì thế tôi hoàn toàn không tin!- Nhà báo Trần Quang Thành
Tại Hội nghị sơ kết công tác công an 6 tháng đầu năm 2024, ông Tô Lâm nêu ra nội dung Bộ này cần thực hiện trong thời gian tới là tiếp tục phát huy tinh thần “gương mẫu”, “đi đầu”, lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với tinh thần “không ngừng, không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Nhưng với những sự khác biệt ở các bản án mà những ông Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân phải nhận, so với các cựu quan chức tham nhũng, thì rõ ràng chiến dịch chống tham nhũng dưới thời ông Tô Lâm đang được “vũ khí hóa” để diệt đối thủ của mình.
“Bản án rất nặng dành cho ông Lưu Bình Nhưỡng, khiến người ta hiểu được vấn đề chính không phải là tội trạng mà chính là một đòn trừng phạt rất cụ thể vào người đã dám vỗ mặt Bộ Công an trong một thời gian dài trước Quốc hội. Nhưng hơn hết nó là lời cảnh cáo với tất cả những ai dám lên tiếng công khai về các vấn đề cần phải được bàn đến trong đất nước. Chống tham nhũng đang được vũ khí hóa cá nhân cho Tô Lâm, dùng nó như một ‘thanh gươm Damocles’, treo trên đầu của tất cả những đối thủ của mình”. Nhà báo Nam Việt bình luận với RFA.
“Thanh gươm của Damocles” là một thuật ngữ được dùng để chỉ một hiểm nguy cận kề hoặc một phán quyết bất ngờ giáng xuống.