“Kỷ nguyên vươn mình” của Tô Lâm và “giấc mơ Trung Hoa” của Tập Cận Bình

Ông Tô Lâm mới đây đã khẳng định Việt Nam sẽ học hỏi tư tưởng Tập Cận Bình nhiều nhất có thể trong cuộc điện đàm với người đồng cấp phía Trung Quốc. Thông tin trên được phiên bản tiếng Anh của tờ Tân Hoa Xã đăng tải, nhưng lại không xuất hiện trong các bản tin tiếng Việt về cùng sự kiện.

Nếu nhìn vào một số động thái của ông Tô Lâm kể từ khi khi đăng quang chức tổng bí thư, có thể nhận thấy nhiều điểm tương đồng với những gì ông Tập Cận Bình đã làm bên Trung Quốc.

Ngay sau khi nắm quyền tổng bí thư ông Tô Lâm đã đưa ra một khái niệm gây tò mò “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.” Khái niệm này được lặp đi lặp lại trong nhiều bài phát biểu của ông. Theo nhiều nhà quan sát, khái niệm này gợi liên tưởng đến khái niệm “kỷ nguyên phục hưng dân tộc Trung Hoa”, một khái niệm cốt lõi của tư tưởng Tập Cận Bình.

Khi thực hiện “giấc mơ Trung Quốc”, bên cạnh những thành tựu đáng chú ý, Tập Cận Bình cũng đã tạo ra nhiều “cơn ác mộng” như cách gọi của Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Phần Lan. Có thể kể đến ba cơn ác mộng trong giấc mơ đó: thanh lọc sắc tộc vì “ảo tưởng” về một “dân tộc Trung Hoa” “thống nhất”, những siêu đại dự án đi về nơi vô định, và một nền chính trị kiểm soát xã hội bằng nỗi sợ hãi.

Câu hỏi cần đặt ra là liệu Việt Nam có học được phần tốt đẹp của Trung Quốc hay không, khi mà nước này có đầy đủ tập tính của một quốc gia độc tài để trượt dài vào những “cơn ác mộng” mà “Giấc mơ Trung Hoa” đã nếm trải?

Xiết chặt xã hội

Trao đổi với RFA, ông Hồ Như Ý, nhà nghiên cứu độc lập về Trung Quốc ở Ba Lan, cho rằng giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình là giấc mơ “không có gương mặt con người cá nhân”. Đó là giấc mơ của một đám đông, một tập thể, một “Trung Hoa số nhiều” như một bài phân tích trên The New Yorker.

Giáo sư Chính trị học Xia Ming tại Đại học Thành phố New York cho rằng Tập Cận Bình dấy lên tư tưởng “quang phục dân tộc Trung Hoa” như một loại “ảo tưởng” nào đó về tương lai để tập hợp quần chúng. Do đó, nó không còn là “Giấc mơ hạnh phúc” của con người cá nhân mà biến thành “Giấc mơ của hoàng đế” của Tập Cận Bình.

Nhà nghiên cứu Hồ Như Ý cho rằng con đường “quang phục Trung Hoa” của Tập Cận Bình đã tự thân nó kiềm chế sức sáng tạo của chính Trung Quốc. Họ Tập “quang phục Trung Hoa” bằng cách xây dựng một ước mơ tập thể cho hơn một tỷ người. Để tạo ra ước mơ tập thể này thì cần kiểm soát tinh thần của từng cá nhân. Nhu cầu này dẫn ông Tập đến chỗ xây dựng hệ thống kiểm soát đời sống con người bằng công nghệ số.

Việt Nam cũng kiểm soát xã hội giống như Trung Quốc. Gần đây, Việt Nam công bố nghị định 126 tăng cường kiểm soát các tổ chức xã hội dân sự. Theo một phân tích của Project 88, các quy định này làm cho việc thành lập và hoạt động của các tổ chức xã hội trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, Luật An ninh mạng Việt Nam năm 2018, theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Luật quốc tế Đại học Vanderbilt, học theo Luật An ninh mạng Trung Quốc năm 2016 ở hầu hết các vấn đề quan trọng: các hành vi bị cấm trên mạng, chế tài với các nhà điều hành mạng, sự kiểm soát những cơ sở hạ tầng quan trọng, kiểm soát dữ liệu lưu trữ. Việt Nam học theo Trung Quốc tất cả những điều này là do sự tương đồng về thể chế nhà nước và quan điểm của chính quyền về vấn đề nhân quyền.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng Việt Nam muốn học theo Trung Quốc để kiểm soát xã hội nhưng khó mà làm giống được như họ. Theo nhà nghiên cứu Hồ Như Ý, khác biệt lớn nhất là Việt Nam không xây dựng được một “ước mơ chung” kiểu Trung Quốc để lôi kéo toàn dân.

“Chuyện ông Tô Lâm muốn học Trung Quốc là có nhưng theo tôi chuyện này lực bất tòng tâm. Người tính không bằng trời tính, vì điều kiện xã hội chính trị ở Việt Nam và Trung Quốc rất khác nhau. Về đại thể thì hai nước giống nhau nhưng thực ra khác nhau. Ví dụ, Trung Quốc có thể theo dõi, kiểm soát chặt chẽ truyền thông, tư tưởng. Họ có thể bắt dân nghe gì, xem gì. Họ có thể theo dõi bạn đi siêu thị nào, mua những gì, xem kênh truyền thông nào. Việt Nam thì không làm được như vậy. Việt Nam tuy có chặn một số kênh truyền thông, nhưng không có một hệ thống tường lửa mạnh như Trung Quốc. Đến cả cha đẻ thiết kế hệ thống tường lửa của Trung Quốc cũng phải vượt tường lửa để đọc báo nước ngoài.” Ông nói tiếp.

---------------

Việt Nam có học tập được mô hình Singapore?

Tham vọng tinh gọn bộ máy chính trị: Thách thức nào đang chờ Tô Lâm?

Tổng Bí Thư lấn sân: bình thường hóa việc vi phạm hiến pháp

---------------

Thanh lọc sắc tộc

Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hồ Như Ý cho biết mục tiêu của Tập Cận Bình là tạo ra một “bản sắc” dân tộc thống nhất, “dân tộc Trung Hoa”. Đối với Tập Cận Bình, việc tạo ra bản sắc thống nhất của “dân tộc Trung Hoa” là một yếu tố then chốt để thực hiện giấc mơ “quang phục Trung Hoa”.

Ý tưởng về một “dân tộc Trung Hoa” thống nhất đã thúc đẩy Tập Cận Bình thực hiện chính sách thanh lọc sắc tộc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc. Một số học giả khẳng định chính sách của ông Tập đã trở thành “cuộc diệt chủng văn hóa” đối với các nhóm thiểu số.

Kể từ năm 2014, một số địa phương ở Tân Cương triển khai dự án thúc đẩy đàn ông “người Hán” kết hôn với phụ nữ các dân tộc thiểu số. James A. Millward, một học giả về Tân Cương tại Đại học Georgetown, nhận định rằng những nỗ lực này có mục tiêu “đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ vào nền văn hóa Hán.”

Trong lịch sử hiện đại, Việt Nam từng có nhiều chính sách sai lầm đối với các cộng đồng thiểu số. Có một câu hỏi lớn đặt ra cho Việt Nam là liệu nước này có rơi vào cơn ác mộng kiểu Trung Hoa hay không nếu đi theo con đường của họ.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy, nguyên giáo sư dân tộc học ở Đại học Paris 7, trao đổi với RFA rằng nhiều chính sách đối với các dân tộc thiểu số, với một số cộng đồng bản địa ở Việt Nam trong thế kỷ hai mươi, đến ngày nay đã làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng. Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh rằng vấn đề nổi bật trong chính sách dân tộc ở Việt Nam là chính quyền không thừa nhận khái niệm “dân tộc bản địa”, mặc dù trong lịch sử, thời Hồ Chí Minh, Việt Nam từng có quy chế khu tự trị Việt Bắc thừa nhận các quyền tự trị của người bản địa.

Trong thời phong kiến và hiện đại, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây nam Bộ của Việt Nam thường xuyên là “điểm nóng” về xung đột sắc tộc.

Trao đổi với RFA, ông Vàng Chí Mình, chủ tịch Liên minh người Hmong vì Công lý, kể lại quá trình cộng đồng người H’mong theo đạo Tin Lành bị đàn áp ở Việt Nam. Hơn ba mươi năm trước, chính quyền địa phương ở Hà Giang trục xuất họ khỏi quê hương. Cộng đồng này chạy sang tỉnh Điện Biên và chạy vào Tây Nguyên. Điều đó đã hình thành hai cộng đồng lớn người Hmong Tin Lành ở hai địa phương này, sống không giấy tờ căn cước suốt gần ba mươi năm qua nhiều thế hệ. Hai cộng đồng mới ở hai địa phương mới, Tây Nguyên và Điện Biên, trở thành “đối tượng” để chính quyền trung ương kiểm soát. Chính quyền, từ địa phương đến trung ương, do thói quen đàn áp và cửa quyền, đã biến một câu chuyện nhỏ ở địa phương (cộng đồng Hmong ở Hà Giang theo đạo Tin Lành) trở thành một vấn đề quốc gia và quốc tế.

Hôm 12 tháng Mười Hai năm 2024, Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF), một cơ quan của chính phủ liên bang Hoa Kỳ, cho biết tình trạng đàn áp đối với đối với các nhóm thiểu số tại Việt Nam, bao gồm các nhóm Khmer Krom (Khmer Nam Bộ), các nhóm Tin Lành người Thượng và những nhóm đạo khác đang gia tăng.

Đó không phải là chuyện mới. Ở Tây Nguyên, một báo cáo của Human Right Watch năm 2003 dẫn lời của Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam (ECVNS), một tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận năm 2001, khẳng định chính quyền đã đóng cửa khoảng 400 nhà thờ của cộng đồng Tây Nguyên bản địa. Các nhà nguyện của họ đóng cửa, tín đồ bị cưỡng ép từ bỏ đức tin, theo một báo cáo năm 2011 của tờ The New York Times.

Trong khi đó, các cơ quan tuyên truyền của Việt Nam thường bác bỏ các báo cáo quốc tế về vấn đề ngưởi bản địa thiểu số. Báo Trà Vinh, cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy Trà Vinh, cho rằng không có các vụ việc đàn áp như vậy mà đó chỉ là “thủ đoạn thâm độc” của “chủ nghĩa đế quốc và phương Tây” nhằm “chia để trị”, “chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”. Báo “Tuyên giáo” của ĐCSVN thì cho rằng các báo cáo về vấn đề người Thượng ở Tây Nguyên là “phản động”. Việc các cộng đồng khác, chủ yếu là người Kinh, di cư lên Tây Nguyên khiến cho dân số trong khu vực tăng gấp 5 lần trong 40 năm qua không được tờ báo này coi là “vấn đề” mà là “thành tích.”

Theo ông Hồ Như Ý, Việt Nam vẫn chưa trượt theo tư tưởng Tập Cận Bình đến mức xây dựng những trại cải tạo sắc tộc quy mô lớn như Trung Quốc. Thành lập các trại cải tạo quy mô lớn để thanh lọc sắc tộc đối với người Duy Ngô Nhĩ là một chính sách sai lầm của Tập Cận Bình. Nếu Việt Nam áp dụng những chính sách như Trung Quốc, đó sẽ không phải là “giải pháp” chỉ tạo thêm “vấn nạn” cho chính họ, theo nhà nghiên cứu độc lập về Trung Quốc ở Ba Lan.

Những siêu dự án đi về nơi vô định

Theo một số chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc, phương tiện chính để phát triển nền kinh tế theo “Giấc mơ Trung Hoa” là phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường. Cho đến nay, Trung Quốc đã chi hơn một nghìn tỷ đô la cho chương trình này.

Chi một số tiền khổng lồ nhưng quản trị yếu kém là vấn đề lớn của chương trình Vành đai con đường. Nhiều dự án bị hủy bỏ hoặc đàm phán lại ở khoảng 50 quốc gia. Nhiều dự án BRI bị cho là thiếu khả thi về mặt kinh tế, khả năng thua lỗ cao. Ngoài ra, tham nhũng cũng là một vấn đề lớn của BRI, làm cho nhiều dự án BRI đội vốn, tăng chi phí và chậm tiến độ.

Từ khi đăng quang chức tổng bí thư, ông Tô Lâm cũng thúc đẩy hai đại dự án là đường sắt cao tốc Bắc Nam và điện hạt nhân Ninh Thuận. Trao đổi với RFA, Tiến sỹ Nguyễn Huy Vũ cho rằng các “đại dự án” của Việt Nam không thể so sánh với Trung Quốc, nhưng nếu đặt trong bối cảnh nguồn lực quốc gia còn hạn chế, cần đầu tư vào những hạ tầng chiến lược để phát triển, đó cũng là những khoản đầu tư lãng phí. Điều quan trọng hơn, các đại dự án của Việt Nam, đặc biệt là các dự án liên quan đến đường sắt, thường lệ thuộc vào Trung Quốc. Trung Quốc đưa chúng vào đại dự án “Vành đai con đường” của họ.

Theo TS Nguyễn Huy Vũ, mức đầu tư cho những đại dự án như đường sắt cao tốc Bắc Nam (khoảng 70 tỷ đô la) có thể đủ để chi cho y tế giáo dục, với mức chi hiện nay, cho 100 năm. Những siêu dự án này không chỉ khiến Việt Nam phải trả chi phí cơ hội mà còn tăng nợ công, trong khi khả năng thu lời của nó thì hoàn toàn mờ mịt.

Như vậy, những khoản đầu tư này cũng có thể khiến cho Việt Nam phải trả giá không nhỏ về “chi phí cơ hội”, tức là những lợi ích có tính chiến lược bị mất đi khi không có nguồn lực đầu tư đúng mức.

Điểm khác biệt giữa các siêu dự án của ước mơ “quang phục Trung Hoa” và xây dựng “kỷ nguyên mới” của Việt Nam là trong khi Trung Quốc có thể tự làm các siêu dự án của mình thì Việt Nam phải đi vay, từ tài chính đến năng lực công nghệ. Đó là so sánh của Kỹ sư Khiêm Nguyễn, một chuyên gia cấp cao về công nghệ và kinh doanh của Vogage Space, một công ty đa quốc gia ở Hoa Kỳ. Theo Kỹ sư Khiêm Nguyễn, với những siêu dự án như điện hạt nhân Ninh Thuận, đường sắt cao tốc Bắc Nam, hiện tại Việt Nam không có đủ năng lực về công nghệ để tham gia. Nếu đặt câu hỏi các viện nghiên cứu, doanh nghiệp Việt có thể đóng góp gì vào siêu dự án tốn kém này thì có lẽ là không có gì nhiều.

Liệu Việt Nam có học được phần tốt của Trung Quốc?

Không chỉ nói suông về “kỷ nguyên vươn mình”, Tô Lâm đã thúc đẩy một cuộc cải cách hành chính mạnh mẽ, tinh giản và sáp nhập các cơ quan trung ương. Cuộc cải cách này thu hút sự chú ý của các nhà quan sát quốc tế về kết quả của nó trong tương lai.

Giấc mộng Trung Hoa của Tập Cận Bình có nhiều giấc mơ đẹp đã thành hiện thực. Họ đã xây dựng được một nền sản xuất dựa trên khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ. Chính sách phát triển bền vững dựa trên năng lượng xanh, sạch được thực thi một cách bài bản trên quy mô lớn.

Gần đây, ông Tô Lâm liên tiếp có hai bài phát biểu đem lại nhiều cảm hứng cho người dân trong nước. Trong bài phát biểu hôm 9 tháng Một, ông cho rằng Việt Nam đã tụt hậu xa so với Trung Quốc, Singapore trong khi các nước này vốn có xuất phát điểm ngang bằng nhau khoảng 50 năm trước. Ông khẳng định phải tìm con đường mới nếu không sẽ còn tụt hậu hơn nữa. Đến hôm 13 tháng Một, ông đưa ra một kế hoạch tổng thể phát triển khoa học công nghệ để Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.

Theo Tiến sỹ Thủy Nguyễn, trong lịch sử hiện đại Việt Nam đã nhiều lần học những cái sai của Trung Quốc. Khi thực hiện ước mơ xây dựng “kỷ nguyên mới” ngày nay, nếu Việt Nam không mở rộng không gian tự do cho xã hội và các chuyên gia thảo luận, nếu các nhà xây dựng chính sách không tham vấn ý kiến đa chiều, không phải Việt Nam không có nguy cơ trượt vào những sai lầm kiểu Tập Cận Bình. Trung Quốc có nguồn lực to lớn nên có thể làm lại sau thất bại. Còn Việt Nam, theo TS Thủy Nguyễn, tuy không phải là nước nhỏ nhưng cũng không phải là “đại cường” để có thể đứng dậy được nếu tiếp tục thất bại giữa một thế giới cạnh tranh sinh tồn khốc liệt như ngày nay.