Ông Tô Lâm từng bước gạt bỏ di sản của ông Nguyễn Phú Trọng

Sáu tháng kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời, không còn ai nhắc đến ông ấy nữa. Đây là điều khó có thể mường tượng được ở thời điểm ông Trọng từ trần, bởi lúc đó người ta đã suy tôn ông lên làm lãnh tụ, sánh ngang với những Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.Vậy chuyện gì đã xảy ra đối với di sản vị lãnh đạo có tầm ảnh hưởng bậc nhất lịch sử Việt Nam hiện đại?

Câu trả lời nằm ở ông Tô Lâm, người đã ráo riết thực hiện các kế hoạch mang dấu ấn cá nhân ngay từ lúc lên cầm quyền.

Đả phá bộ máy cồng kềnh và đòi tinh giản

Ngay sau khi loại hàng loạt đối thủ chính trị để nắm giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XIII vào tháng 8 năm 2024, ông Tô Lâm đã đả phá bộ máy cồng kềnh và phát động chiến dịch tinh giản rầm rộ khắp các bộ ngành..

Khi phát biểu tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội hôm 31/10/2024, vị tân Tổng Bí thư giải thích, phải tiếp tục tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên để dành nguồn lực đầu tư phát triển. Theo ông Tô Lâm, bộ máy quá cồng kềnh đã kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Nỗ lực cải cách bộ máy hiện tại của ông Tô Lâm trên thực tế dựa trên một văn kiện được thông qua từ thời ông Nguyễn Phú Trọng, Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, về sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn.

Tuy nhiên, trong suốt 13 năm cầm quyền của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc tinh giản bộ máy chỉ dừng lại ở lời nói và khẩu hiệu. Thậm chí, ông đã góp phần làm phình to bộ máy, đặc biệt là bộ máy của Đảng, bằng việc lập ra hàng loạt tiểu, tổ, ban ngành.

Bằng cách công khai chỉ trích bộ máy cồng kềnh là nguyên nhân của sự tụt hậu, ông Tô Lâm chẳng khác nào cho rằng ông Trọng trong suốt 13 năm tại vị đã không làm gì để giải quyết vấn đề, mà còn góp phần kìm hãm sự phát triển.

“Tôi nghĩ một lãnh đạo mới thì phải cố gắng gây dấu ấn lịch sử của mình. Như thế việc không nhắc tới, hoặc dần dần phai nhạt với những di sản của người cũ cũng là chuyện bình thường.” - Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS, nhận định.

Tô Lâm không nhất thiết phải xóa bỏ di sản của Nguyễn Phú Trọng mà phải dựa vào đó để hỗ trợ các cải cách cơ cấu lớn trong hệ thống kinh tế và chính trị của Việt Nam.

- Giáo sư Carlyle A. Thayer

Còn Giáo sư Carlyle A. Thayer, ở Đại học New South Wales – Canberra thì cho rằng, Tổng Bí thư Trọng phải được ghi nhận công lao cho hai chiến dịch chống tham nhũng và xây dựng đảng. “Nhưng đây phải được coi là điều kiện cần nhưng chưa đủ để Tô Lâm tinh gọn bộ máy nhà nước.” – Ông Carlyle nói thêm.

Nói cách khác theo Giáo sư Carlyle A. Thayer, để tránh nền kinh tế trì trệ (bẫy thu nhập trung bình), ông Tô Lâm cần phải có thêm điều gì đó.

“Tóm lại, Tô Lâm không nhất thiết phải xóa bỏ di sản của Nguyễn Phú Trọng mà phải dựa vào đó để hỗ trợ các cải cách cơ cấu lớn trong hệ thống kinh tế và chính trị của Việt Nam. Để đạt được mục tiêu của mình, Tô Lâm phải tiếp cận với người miền Nam và các nhà kỹ trị.”- Giáo sư Carle Thayer nói.

Vực dậy Nguyễn Tấn Dũng (kẻ thù của ông Trọng)

“Không biết thực hư thế nào, nhưng nhìn bề ngoài ai cũng biết ông Trọng với ông Dũng là kình địch với nhau. Mà ông Tô Lâm bây giờ rất tôn vinh ông Dũng, thì người ta hiểu ngầm là ông Tô Lâm từ bỏ những dấu ấn và những tư tưởng của ông Nguyễn Phú Trọng.” - Tiến Sĩ Nguyễn Quang A nói với RFA về sự trở lại của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Sau nhiều năm vắng bóng trên chính trường, ông Nguyễn Tấn Dũng đã có màn trở lại không thể ngoạn mục hơn. Ông vừa được Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Sao Vàng hôm 20/1/2025, Huân chương cao quý nhất của nhà nước, vì “đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc”.

Hai ông Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng đã tạo ra màn đối đầu kịch tính trong Đại hội XII của đảng Cộng sản năm 2016, với phần thắng sau cùng thuộc về ông Trọng, còn ông Dũng phải về hưu “làm người tử tế”.

Sau khi “đồng chí X”, biệt danh được cho là của ông Nguyễn Tấn Dũng, bị phe ông Trọng loại khỏi chính trường, “nhóm lợi ích” liên quan đến vị cựu thủ tướng cũng bị xộ khám vì dính líu nhiều vụ tham nhũng lớn.

Việc Tổng Bí thư Tô Lâm trao tặng Huân chương Sao Vàng cho nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã hủy hoại toàn bộ di sản của ông Trọng, bởi nó vô hiệu hóa toàn bộ những nỗ lực chôn vùi ông Dũng khỏi chính trường. Đây cũng có thể được coi là một cái tát vào mặt ông Nguyễn Phú Trọng.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ thì cho rằng, khi ông Trọng chết, người ta ngay lập tức vất mớ lý thuyết linh tinh và vô bổ của ông Trọng vào sọt rác. Bởi theo ông Vũ, người ta nhận thấy rằng nó vô dụng. Những lãnh đạo cộng sản ngày nay đều nhận thức rằng họ cần một cách tiếp cận khác để cai trị xã hội bởi không ai còn tin vào mớ lý thuyết xã hội chủ nghĩa nữa. Nhưng cai trị xã hội theo một tư tưởng nào? Ông Vũ cho rằng “họ không có tư tưởng”.

“Tư tưởng xã hội chủ nghĩa đã bị vất bỏ. Tư tưởng dân chủ tự do họ không theo. Vì vậy họ chỉ còn con đường đi theo chủ nghĩa quân phiệt, dùng công an và quân đội để cai trị xã hội. Đó là lý do mà Tô Lâm cố gắng thâu tóm mọi quyền lực của xã hội để đưa vào tay công an. Việc Tô Lâm trao huân chương sao vàng cho Nguyễn Tấn Dũng và Nông Đức Mạnh cũng vì muốn lấy lòng hai ông này và phe cánh của ông ta.” - Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhận định.

--------------------

Những lần Tô Lâm lấn quyền Lương Cường

Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, Tô Lâm kiểm soát các cơ quan quyền lực của Đảng trước Đại hội 14

Tô Lâm toan tính giành trọn nhiệm kỳ trên đỉnh cao quyền lực

Không phải Maika nhưng Tô Lâm cũng từ trên trời rơi xuống?

Ông Tô Lâm quẳng cái đe sắt cho đối thủ đang sắp chết đuối

Ông Nguyễn Tấn Dũng nhận huân chương ngang hàng với ông Nguyễn Phú Trọng

--------------------

Chà đạp các quy định bổ nhiệm

Đảng Cộng sản dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra quy định chặt chẽ đối với quy trình bổ nhiệm cán bộ cấp cao, cụ thể là Quy định 214-QĐ/TW về “khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”, được đích thân ông Trọng ký vào tháng 1 năm 2020.

Theo Quy định 214, các vị trí cấp cao trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư, chỉ dành cho những người hội tụ các tiêu chuẩn, trong đó phải “Là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên.” Và các tiêu chuẩn khác.

Tuy nhiên, khi ông Tô Lâm lên nắm quyền, đã liên tiếp vi phạm quy định này.

Cụ thể là việc bổ nhiệm hai tướng công an, Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị. Cả hai người này đều mới trở thành ủy viên ban chấp hành trung ương trong khóa 13, đến giờ vẫn chưa trọn một nhiệm kỳ. Do vậy, theo quy định, không thể được chen chân vào Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, trên thực tế, ông Lương Tam Quang đã được trao một ghế trong câu lạc bộ quyền lực nhất từ tháng 8 năm 2024, còn ông Nguyễn Duy Ngọc cũng đã nối gót trở thành ủy viên Bộ Chính trị vào tháng 1 năm 2025.

Bản thân ông Quang và ông Ngọc, hai người thân tín của ông Tô Lâm, cũng đã vướng phải lùm xùm xung quanh vấn đề bổ nhiệm trước đó.

Ông Lương Tam Quang lên thay ông Tô Lâm làm Bộ trưởng Công an khi chưa phải là ủy viên Bộ Chính trị, một điều chưa từng xảy ra từ năm 1960. Còn ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu làm ủy viên Ban Bí thư vào tháng 8 năm 2024, khi chưa đủ tiêu chuẩn vì không phải là ủy viên trung ương với trọn một nhiệm kỳ.

Từ công cụ của Đảng trở thành lực lượng kiểm soát Đảng

Việc tướng Công an Nguyễn Duy Ngọc được điều giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương hôm 23 tháng 1 năm 2025, được cho là một bước tiến mới của Tổng Bí thư Tô Lâm trong nỗ lực công an hóa bộ máy.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sử dụng như cánh tay đắc lực trong chiến dịch chống tham nhũng “long trời lở đất” của mình. Ở phương diện rộng hơn, việc thành lập hàng loạt các tiểu ban, ban, tổ công tác, và ủy ban dưới sự điều hành trực tiếp của Số 1 Hùng Vương, ông Trọng cho thấy tham vọng gia tăng kiểm soát bộ máy nhà nước bằng bộ máy Đảng.

Nhưng kể từ khi lên nắm chức Chủ tịch nước và sau đó là Tổng Bí thư, ông Tô Lâm đã ráo riết thực hiện kế hoạch cái cắm người của ngành công an vào các vị trí chủ chốt, trong đó có Bộ Chính trị và cả các tổ chức Đảng mà ông Trọng đã lập ra trước đó.

Bộ Chính trị khóa 13 Đảng CSVN gồm 18 thành viên được bầu vào tháng 1 năm 2021, có thời điểm đã tụt xuống mức thấp nhất là 12 thành viên vì một số bị kỷ luật. Ông Tô Lâm đã nhanh chóng tìm cách cài người của mình vào những chỗ còn trống, đó là những cấp dưới trong Bộ Công an của ông.

Sau khi Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị hồi tháng 8 năm 2024. Một tướng công an khác là Nguyễn Duy Ngọc đã được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị hôm 23/1/2025. Ông này trước đó cũng được bổ nhiệm giữ chức Chánh văn phòng Trung ương Đảng. Một vị tướng công an khác là Nguyễn Hòa Bình đã được bổ nhiệm giữ chức Phó Thủ tướng thường trực.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nói về chiến dịch chống tham nhũng đã thường xuyên nhắc lại câu “còn Đảng thì còn mình”, và gọi ngành công an là “tấm khiên và lá chắn của Đảng”.

Ông Tô Lâm từ việc là người đóng góp chính cho chiến dịch chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng, đã trở thành người đứng đầu Đảng theo sau cái chết đột ngột của Trọng, và đã biến ngành công an từ công cụ trở thành lực lượng kiểm soát Đảng.

Nhiệm kỳ Tổng Bí thư của ông Tô Lâm sẽ hết hạn sau mười bảy tháng. Rõ ràng việc công an hóa bộ máy thể hiện tham vọng lớn của vị chính trị gia quê Hưng Yên.

“Để trở thành lãnh đạo đảng tiếp theo, Tô Lâm cần xây dựng một liên minh những người ủng hộ bên ngoài phe phái của Trọng. Ông cũng cần được miễn trừ đặc biệt vì tuổi tác của mình. Nói cách khác, Lâm cần cung cấp cho các đảng viên thứ gì đó nhiều hơn là tiếp tục chiến dịch đốt lò của Trọng.” - Giáo sư Carlyle A. Thayer nhận định.

Ông Tô Lâm cùng các lãnh đạo Việt Nam tại tang lễ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 26/7/2024. AFP PHOTO.
To Lam Ông Tô Lâm cùng các lãnh đạo Việt Nam tại tang lễ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 26/7/2024. AFP.

Phá bỏ ‘vòng kim cô’ tư tưởng khỏi Bộ Công an

Hôm 16/1/2025, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư 06/2025/TT-BCA bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.

Trong đó có Thông tư số 51/2012/TT-BCA ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chế độ học tập lý luận chính trị trong Công an nhân dân, được ban hành dưới thời ông Trọng.

Với việc bãi bỏ quy định cán bộ công an phải học tập lý luận chính trị, ông Tô Lâm cho thấy nỗ lực phá bỏ sự kiểm soát về mặt tư tưởng của Đảng lên ngành công an.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng, “ai cũng thấy được là tư tưởng xã hội chủ nghĩa của Nguyễn Phú Trọng đã lỗi thời.” Theo ông Vũ, trong thời đại của kim tiền ngày nay giữa các đảng viên, không ai có thể sống chỉ bằng đạo đức và lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Tất cả mọi thứ liên quan đến cất nhắc và chức vụ đều dính dáng ít nhiều đến tiền. Xã hội Việt Nam ngày nay người ta cũng vận hành bằng tiền là chính, sau đó mới nói tới chuyện đạo đức. “Vào bệnh viện mà không có tiền thì không ai chữa. Đi học mà không có tiền thì không ai dạy.” Tiến sĩ Vũ dẫn chứng.

Tôi cũng kỳ vọng là ông Tô Lâm nhận ra điểm nghẽn là vấn đề độc tài hay dân chủ?

- Tiến Sĩ Nguyễn Quang A

Tổng Bí thư Tô Lâm được giới quan sát cho là người thực tế, không giáo điều, và chú trọng vào phát triển hơn là xây dựng lý thuyết. Một sự đối nghịch rất lớn với người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng.

Theo Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, phải cần có thời gian để đánh giá những di sản mang dấu ấn của ông Tô Lâm, nhưng những gì ông Tô Lâm nói “khác” với ông Nguyễn Phú Trọng rất nhiều. Ông Tô Lâm nói những điều người dân nghe rất sướng, chẳng hạn khi ông nhận xét về thành tích kinh tế của Việt Nam, đã cho rằng “thực chất có phải là tự huyễn hoặc hay tự sướng?” – Tiến Sĩ Nguyễn Quang A nói.

“Tôi nghĩ ông ấy nhận xét rất chính xác, vấn đề là từ lời nói cho đến việc làm còn khoảng cách rất xa. Riêng tôi khi đánh giá thì tôi luôn đánh giá bằng việc làm, chứ không phải bằng lời nói. Tôi cũng mong và chúc ông Tô Lâm thành công. Tôi cũng kỳ vọng là ông Tô Lâm nhận ra điểm nghẽn là vấn đề độc tài hay dân chủ? Nếu ổng thực hiện có một kế hoạch như thế, thì sẽ trở thành một người vĩ đại.” - Tiến Sĩ Nguyễn Quang A cho biết thêm.