Cuộc đảo chính âm thầm của ngành Công an

Âm thầm nhưng ráo riết, ngành Công an đang từng bước vươn vòi bạch tuộc tới các vị trí chủ chốt trong bộ máy Đảng và nhà nước, cứ đà này toàn bộ bộ máy chính trị sẽ nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng công an.

Nếu không gặp bất cứ sự phản kháng nào, thì đây sẽ trở thành cuộc đảo chính cung đình ngoạn mục trong nền chính trị Việt Nam.

Từ chiếm cơ quan Trung ương

Quá trình thâu tóm các cơ quan trung ương của ngành công an có thể được lột tả một cách sinh động qua đường quan lộ của Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc.

Tháng 6 năm 2024, trong lúc thông tin về tình hình sức khỏe của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn đang là đề tài thu hút dư luận, ông Nguyễn Duy Ngọc, được đưa vào vị trí Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, một vị trí quan trọng với chức năng làm trung tâm thông tin tổng hợp cho lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, và điều hối hoạt động của các cơ quan quan trọng nhất của đảng Cộng sản.

Một tuần sau khi ông Tô Lâm trở thành Tổng Bí thư, ông Ngọc tiếp tục được bầu làm ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng. Một cơ quan quyền lực khác, với chức năng sắp xếp nhân sự cấp cao trong Đảng.

Tại Hội nghị Trung ương diễn ra vào tháng 1 năm 2025, ông Nguyễn Duy Ngọc được bổ nhiệm vào hai vị trí quyền lực khác gồm ủy viên Bộ Chính trị, và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Chỉ trong vòng vỏn vẹn 6 tháng, vị tướng công an 60 tuổi đã từ một thứ trưởng Bộ Công an, rồi trở thành ủy viên Bộ Chính trị kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Một kỷ lục vô tiền khoáng hậu.

Không chỉ ông Ngọc, những người gốc công an khác cũng đã được đưa vào các cơ quan kể trên để củng cố vai trò của ngành này.

Cụ thể, tại Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực nhất của toàn bộ hệ thống chính trị, ngành công an đang chiếm 7 trên tổng số 16 ghế. Ở ban bí thư ngành này cũng nắm 5 ghế trên tổng số 12 ủy viên.

Với việc Tổng Bí thư Tô Lâm là người đứng đầu cả Bộ Chính trị và Ban Bí thư này. Cộngvới việc ông Nguyễn Duy Ngọc hiện nắm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan chịu trách nhiệm điều tra nội bộ, và công cụ chính trong cuộc chiến chống tham nhũng. Và tất nhiên cả ông Lương Tam Quang, một đồng minh thân cận khác của ông Tô Lâm, giữ chức Bộ trưởng Công an.

Ngành công an hiện đã nắm trong tay các cơ quan đầu não của Đảng.

Đến kiểm soát các tỉnh

Một số công an khác cũng về nắm chủ tịch hay bí thư các tỉnh, các huyện, xã… rất là nhiều không đếm xuể, không nhớ được.

- Ông Nguyễn Doãn Tú, cựu Đại úy Công an

Kể từ khi ông Tô Lâm loại hàng loạt đối thủ, rời chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an để lên chức Chủ tịch nước và nắm giữ quyền lực cao nhất với vị trí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đã có hàng loạt nhân sự công an được điều động bổ nhiệm giữ những chức vụ lãnh đạo ở các tỉnh, thành phố.

“Trong năm 2024, rồi đầu năm 2025, đưa công an về nắm tất cả các chức vụ trong chính quyền. Như ông Vũ Hồng Văn, giám đốc công an Đồng Nai, về làm bí thư Đồng Nai. Một số công an khác cũng về nắm chủ tịch hay bí thư các tỉnh, các huyện, xã… rất là nhiều không đếm xuể, không nhớ được.”- Ông Nguyễn Doãn Tú, cựu Đại úy Công an nói với RFA.

Mới nhất có thể kể đến là trường hợp ông Vũ Hồng Văn, người gốc Hưng Yên cùng với ông Tô Lâm, được giao giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai từ ngày 25/1/2025.

Trước đó vài ngày, một nhân sự công an khác là ông Quản Minh Cường hôm 19/1/2025 đã được giao giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng. Ông Cường cũng gốc Hưng Yên cùng với ông Tô Lâm, là Cử nhân Cảnh sát, từng trải qua các nhiệm vụ ở Bộ Công an.

Cũng trong thời gian ông Tô Lâm vừa nắm giữ quyền lực tối cao, đã có rất nhiều quan chức công an được giao giữ vị trí quan trong tại Ủy ban Nhân dân (UBND) các tỉnh thành. Đơn cử như Đại tá công an Phan Huy Ngọc, được giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang vào ngày 30/12/2024.

Và Thiếu tướng Công an Lê Ngọc Châu được chọn làm Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương vào tháng 9 năm 2024.

Không phải khi ông Tô Lâm nắm quyền thì lực lượng công an mới lấn sân bộ máy quản lý nhà nước. Trước đây nhiều năm, nhận sự công an cũng đã ‘âm thầm’ len lõi khắp nơi.

Như việc giám đốc Công an tỉnh Nghệ An - Võ Trọng Hải, được cho giữ chức chủ tịch UBND Hà Tĩnh vào năm 2021. Hay Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông - Hồ Văn Mười - được cho giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh này vào ngày 30/06/2021.

Một trường hợp nữa là Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam được đưa đến Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Hà Nam, kể từ ngày 15/7/2023.

------------------------

Cấp giấy phép lái xe: miếng bánh béo bở của Bộ Công an

Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, Tô Lâm kiểm soát các cơ quan quyền lực của Đảng trước Đại hội 14

Nghị định 168 làm giàu cho cảnh sát giao thông?

Nghị Định 168, 176: Khi công an viết luật

Tinh giản ngành công an, không công khai quân số có minh bạch?

Ông Tô Lâm từng bước gạt bỏ di sản của ông Nguyễn Phú Trọng

------------------------

Ban chấp hành trung ương: đích nhắm tiếp theo?

Ban Chấp hành Trung ương đóng vai trò cơ quan chính trị quan trọng nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị mà đảng Cộng sản thiết kế ra.

Vào năm 2021, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam đã bầu 200 Ủy viên Trung ương khóa 13 nhiệm kỳ 2021-2026, bao gồm 180 ủy viên chính thức, và 20 ủy viên dự khuyết.

Tuy nhiên cho đến tháng 5 năm 2024, đã có 21 ủy viên chính thức bị bật bãi. Trong đó 8 người bị khởi tố và 3 người bị kỷ luật.

Đến ngày 25/11/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã loại thêm hai Ủy viên Trung ương là ông Bùi Văn Cường và ông Nguyễn Văn Thể. Nâng tổng số ủy viên chính thức của khóa 13 bị loại lên 23 người.

Điều này, theo tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, đã tạo ra “những chiếc ghế trống mà ông Tô Lâm có thể bổ sung những người thân cận của mình vào”.

Tổng Bí thư Tô Lâm không thể xếp Ban Chấp hành Trung ương với các đại diện công an. Tuy nhiên, ông Lâm có thể đề xuất việc thăng chức cho những người đang là thành viên hoặc cựu thành viên của Bộ Công an hiện đang là thành viên Ban Chấp hành Trung ương.

- Giáo sư Carlyle A. Thayer

Theo Giáo sư Carlyle A. Thayer ở Đại học New South Wales – Canberra, ngành công an đã có thể đưa các viên chức của mình (đang tại ngũ và đã nghỉ hưu) vào các vị trí chủ chốt cấp cao. Nhưng di sản của Việt Nam trong việc đặt ra hạn ngạch cho các nhóm ngành khác nhau và các ràng buộc về mặt cấu trúc, làm giảm khả năng khu vực công nắm giữ hệ thống chính trị.

Ngành cảnh sát có thể tác động đến quá trình này ở ba cấp độ, nơi các ứng cử viên được thẩm định - đại hội đảng ở mọi cấp bao gồm cấp khối trung ương, tiểu ban nhân sự trực thuộc Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương. “Có sự cho và nhận ở mọi cấp vì nhiều lĩnh vực khác cũng tham gia. Có khả năng là các vị trí địa phương của 23 thành viên bị bãi nhiệm của Ủy ban Trung ương đã hoặc sẽ được lấp đầy trước đại hội đảng toàn quốc lần thứ 14.” - Giáo sư Carlyle A. Thayer nhận định.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là cơ quan lãnh đạo, ra quyết định cho nhiều lĩnh vực của đất nước.

Trong đó, nhiệm vụ quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương là bầu Bộ Chính trị; bầu Tổng Bí thư trong số Ủy viên Bộ Chính trị; thành lập Ban Bí thư gồm Tổng Bí thư, một số Ủy viên Ban Bí thư; bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương…

Việc Ông Tô Lâm đưa nhiều công an vô Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, rõ ràng là để có thể kiểm soát phiếu bầu trong cơ quan đầu não này.

Theo Giáo sư Carlyle A. Thayer, Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan ra quyết định cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam trong khoảng thời gian giữa năm kỳ đại hội đảng toàn quốc hàng năm. Bộ Chính trị phải xin phép Ban Chấp hành Trung ương về các chính sách của mình, bao gồm cả việc bổ nhiệm nhân sự.

“Tổng Bí thư Tô Lâm không thể xếp Ban Chấp hành Trung ương với các đại diện công an. Tuy nhiên, ông Lâm có thể đề xuất việc thăng chức cho những người đang là thành viên hoặc cựu thành viên của Bộ Công an hiện đang là thành viên Ban Chấp hành Trung ương.” - Giáo sư Carlyle A. Thayer nói thêm.

Lực lược cảnh sát cơ động Việt Nam (ảnh minh họa chụp tại Lạng Sơn trước đây).
Lực lược cảnh sát cơ động Việt Nam (ảnh minh họa chụp tại Lạng Sơn trước đây). Lực lược cảnh sát cơ động Việt Nam (ảnh minh họa chụp tại Lạng Sơn trước đây). (NHAC NGUYEN/AFP)

Đại hội 14: Đảo chính hoàn tất?

Ngành công an đã có thể đưa các viên chức của mình (đang tại ngũ và đã nghỉ hưu) vào nhiều vị trí chủ chốt cấp cao. Nếu ngành công an thành công đưa người của họ vào ban chấp hành, thì ảnh hưởng thế nào đến Đại hội Đảng Cộng sản 14 sắp tới?

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, kể từ khi ông Tô Lâm lắm chức vụ cao nhất, càng ngày ông càng tìm cách đưa nhiều nhân vật trong ngành công an nắm vị trí trọng yếu. “Những việc như vậy sẽ không dừng lại, sẽ tiếp tục từ nay đến trước Đại hôi 14. Ông Tô Lâm chắc chắn sẽ gia tăng rất nhiều, nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Đại hôi 14. Năm 2025 này ông Tô Lâm sẽ sắp xếp kiện toàn bộ máy nhân sự ở bên đảng, bên hệ thống cơ quan nhà nước và bên Quốc hội…”

Luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng, như vậy Đại hôi 14 chỉ còn mang tính hình thức, chứ nó không còn là nơi để 1.500 đến 1.600 đại biểu có thể lựa chọn người xứng đáng và ban chấp hành trung ương, sau đó sẽ bầu ứng cử viên Bộ chính trị và Bí thư… “Những cái đó đều do ông Tô Lâm sắp xếp từ trước, rồi thao túng…” - Luật sư Nguyễn Văn Đài nói thêm.

Còn Nhà báo Lê Trung Khoa thì cho rằng, đây là một sức ép rất lớn đối với các ủy viên trung ương đảng Cộng sản Việt Nam trước việc ông Tô Lâm đã bổ nhiệm vô tội vạ, liên tục, thậm chí sai các quy chế của đảng đối với những người đứng những vị trí quan trọng trong đảng.

“Với việc như công an vào nhiều vị trí quan trọng tại Đại hội 14, những người này sẽ đề xuất và được đề xuất, đề bạt vào nhiều vị trí… thì đương nhiên đây sẽ biến thành một cái đảng công an trị, đem đến hậu quả vô cùng tai hại.” – Ông Khoa nói.

Mục đích cuối cùng, theo nhà báo Lê Trung Khoa, là để đảm bảo ông Tô Lâm“có thêm nhiều lá phiếu nữa trong đại hội 14, để tiếp tục nhiệm kỳ tiếp theo là Tổng bí thư.”