Nhạc sỹ Nam Lộc, người được cơ quan Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) phong làm “Đại sứ Quốc tịch” vào năm 2022, lý giải sắc lệnh này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 1500 người tị nạn Việt Nam tại Thái Lan đang chờ đợi được định cư ở nước thứ 3.
Theo ông Nam Lộc, tổng thống Donald Trump đã ra lệnh tạm ngừng tất cả các hoạt động liên quan đến các chương trình tị nạn, trong đó có Welcome Corps. Đây là chương trình đã được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thành lập vào năm 2023, cho phép các công dân Mỹ hay thường trú nhân có thể bảo trợ riêng tư cho những người tị nạn đến nơi an toàn ở Hoa Kỳ:
“Cũng theo lệnh này thì có nghĩa thì chương trình Welcome Corps đã ngưng ngay tại chỗ, không nhận đơn bảo lãnh và cũng như ngưng cứu xét các hồ sơ đã nộp trước đây cho đến khi có lệnh mới. Đây được xem là ảnh hưởng mạnh mẽ và trực tiếp nhất đến người tị nạn nói chung và người Việt nói riêng tại Thái Lan.”
Điều này cũng đồng nghĩa với việc những trường hợp đã được chấp thuận định cư, ngay cả những người đã có vé máy bay và chuẩn bị lên đường cũng bị tạm hoãn.
Sắc lệnh này đã khiến cho người tị nạn Việt Nam ở Thái vô cùng hoang mang, lo lắng về tương lai của mình. Họ đã chờ đợi trong nhiều năm với hy vọng được định cư ở một quốc gia an toàn, nhưng nay họ lại phải đối diện với sự hoàn toàn bất định.
Hy vọng vụt tắt
Nguyễn Thanh Khải, 47 tuổi, cùng gia đình sang Thái Lan tị nạn từ năm 2013 và hiện vẫn đang chờ Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHCR) cấp quy chế tị nạn.
Không có giấy tờ hợp pháp khiến gia đình ông Khải luôn sống trong tâm trạng lo âu. Để mưu sinh, gia đình ông phải làm những công việc chân tay như nhặt, rửa rau ở chợ, bán nước mía, và bất cứ công việc nào họ tìm được, dẫu chịu khó như vậy nhưng cuộc sống vẫn luôn bấp bênh. .
Ở Thái Lan, người tị nạn được coi là người cư trú bất hợp pháp, ông Khải từng bị cảnh sát bắt giam 40 ngày tại trung tâm giam giữ người nhập cư (IDC) hồi năm 2018 vì lao động không phép.
“Cuộc sống của tôi ở đây là bất hợp pháp rồi, lúc nào họ (cảnh sát Thái - PV) cũng đòi trục xuất tôi.”
Sau hơn một thập kỷ sống trong cảnh nơp nớp lo sợ, đầu năm 2024, ông Hải nhận được tin gia đình ông đã được một nhóm người ở Mỹ bảo trợ theo chương trình Welcome Corps. Lần đầu tiên sau 12 năm, ông cảm thấy có hy vọng thực sự về một tương lai ổn định cho bản thân và các con.
Thế nhưng, sắc lệnh mới của Tổng thống Trump đình chỉ chương trình tiếp nhận người tị nạn đã khiến giấc mơ của họ sụp đổ:
“Tôi rất buồn khi chương trình Welcome Corps bị tạm ngưng. Tôi hy vọng, chờ đợi tới ngày nay mà bị ngưng thì tôi thấy buồn cho tương lai của mấy đưa nhỏ.”
Con gái lớn của ông Khải, Thanh Ngân, năm nay 18 tuổi và hiện đang học lớp 11, cho biết chuyện không có giấy tờ cũng gây ra nhiều khó khăn trong việc học. Trong khi các bạn có giấy tờ hợp pháp thì được tham gia các chương trình trao đổi, như chuyến đi cắm trại tại Trung Quốc do trường tổ chức, nhưng em thì không: “Em không được đi vì không có giấy tờ”.
Từ lâu, Ngân đã mong ước sẽ được vào đại học ngành nha khoa, nhưng cũng vì không có giấy tờ hợp pháp nên con đường vào đại học của em cũng khó khăn hơn các bạn cùng lứa.
Khi hay tin gia đình được bảo trợ sang Mỹ, em đã vô cùng phấn khởi, vì đó là cơ hội để được tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình: “Lúc biết tin gia đình được bảo trợ thì em vui lắm tại vì em muốn được qua Mỹ để đi học.”
Nhưng giờ đây tương lai của Ngân lại trở nên mù mịt khi chương trình Welcome Corps bị đình chỉ, Ngân cảm thấy vừa buồn, vừa lo lắng vì cơ hội được học đại học của mình gần như không còn:
“Lúc biết chương trình Welcome corps tạm ngưng thì em cũng buồn và lo lắng nhiều. Em cũng muốn được học đại học cho hết luôn nhưng mà mình chỉ có giấy tờ của UN thôi cho nên là em học đại học không có được.”
Kiên nhẫn chờ đợi
Chờ đợi và hy vọng về một tương lai ổn định có lẽ là tâm trạng chung của tất cả những người Việt tị nạn trên đất Thái. Một người tị nạn khác là anh Trần Anh Quân tỏ ra bình tĩnh hơn trước sắc lệnh này của Tổng thống Hoa Kỳ.
Anh Quân là một nhà hoạt động chính trị đối lập ở Việt Nam, từng tha gia viết bài cho Việt Nam Thời báo - một tờ báo độc lập bị cấm hoạt động ở Việt Nam. Hồi đầu năm 2023, anh Quân từng bị an ninh bắt lên đồn hai ngày đêm để tra hỏi về những hoạt động của mình. Đến tháng 8/2023, anh đã đến Thái Lan tìm kiếm cơ hội tị nạn.
Theo lời anh, quá trình xét duyệt hồ sơ của anh diễn ra khá nhanh và đã được Sở Di trú Mỹ chấp nhận cho tái định cư vào tháng 10 năm ngoái.
“Mình rất là vui. Bởi vì, nó cũng giống như là một cơ hội để tái sinh của mình. Khi mình ở một đất nước bị thiếu tự do và nhiều người coi đó như là một nhà tù lớn thì khi mình được tới một nơi tự do nhất thế giới thì mình có cảm giác như là được tái sinh một lần nữa vậy.”
Theo thông báo qua email từ phía cơ quan di trú Hoa Kỳ, sớm nhất là trong vòng 4 tháng, anh sẽ hoàn thành các thủ tục như khám sức khoẻ và chích ngừa trước khi được bay sang Mỹ. Ban đầu, anh được lên lịch tiêm ngừa vào tháng 11, nhưng do trùng với thời gian bầu cử nên lịch trình bị hoãn lại. Hai tháng sau, vào ngày 21 tháng 1, anh mới được tiêm ngừa lần đầu tiên.
Theo anh Quân, lần tiêm ngừa tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 18 tháng 2, nhưng anh cũng không chắc chắn liệu kế hoạch này có diễn ra đúng như dự định hay không, hay lại bị hoãn một lần nữa:
“Lần sau sẽ chích vào ngày 18/2 nhưng mà mình cũng không biết là có chắc không nứa, hay là lên rồi người ta lại cho về.”
Dù có lệnh đình chỉ chương trình tiếp nhận người tị nạn, anh Quân cũng không quá lo lắng hay bị ảnh hưởng nhiều:
“Mình tin vào Hiến pháp Mỹ. Mình tin là hệ thống chính trị và luật pháp nó phải được vận hành theo trình tự.
Những người giống như mình là đã được nhận rồi thì vẫn sẽ tiếp tục được nhận. Bây giờ nó chỉ chậm lại trong vòng vài tháng để chính quyền mới họ xử lý những hồ sơ khác, chứ mình đã được Sở di trú nhận rồi và mình hiểu rằng là khi đã được nhận như vậy rồi thì hồ sơ chắc chắn sẽ được đi chứ không có chuyện bị hủy luôn”
Tương lai ra sao?
Ông Nam Lộc chia sẻ rằng, hiện tại, những người tị nạn chỉ có thể chờ đợi, không ai có thể đoán biết được rằng sắc lệnh này sẽ kéo dài trong bao lâu.
Hôm 4/2, văn phòng Tình nguyện IRC trụ sở Bangkok - đơn vị chịu trách nhiệm hỗ trợ tái định cư cho người tị nạn - đã gởi email cho ông Nam Lộc thông báo đình chỉ tất cả các chương trình liên quan hỗ trợ người tị nạn:
“Kể từ ngày hôm nay tất cả các chương trình đều bị tạm ngưng tất cả mọi người tị nạn đã được hẹn đến trung tâm hỗ trợ tái định cư đều bị hủy bỏ, chờ cho đến khi có lệnh mới.
Và ngay cả các viên chức làm việc cho các tổ chức từ thiện ở Bangkok còn không biết chuyện đó sẽ như thế nào. Thành ra rất khó để chúng ta có thể tiên đoán được.”
Để thay đổi tình hình hiện tại, ông Nam Lộc cho rằng vận động các dân biểu Hoa Kỳ là điều cần phải làm. Ông kêu gọi những người quan tâm đến số phận của người tị nạn, trong 90 ngày sắp tới, hãy liên hệ với các dân biểu, bất kể đảng nào, để thông báo về tình trạng nguy hiểm mà người tị nạn Việt Nam đang đối mặt.
Điều này sẽ góp phần khiến giới chức Hoa Kỳ xem xét và thay đổi sắc lệnh hiện tại.
Ông Hoàng Duyên, một luật sư di trú Hoa Kỳ cho biết các điều kiện để được chấp thuận tị nạn tại Hoa Kỳ đã được nêu rất rõ trong Luật di trú của Hoa Kỳ. Do đó, trong thời gian tới, có thể các cơ quan hoặc tổ chức liên quan đến di trú hay bảo vệ người tị nạn sẽ nộp đơn vào toà để thách thức quyết định này của ông Trump. Và khi đó, số phận của người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan phụ thuộc vào chuyện là toà án có phán quyết bác bỏ sắc lệnh đó của ông Trump hay không.
Người Việt tị nạn tại Thái Lan bao gồm những nhà hoạt động chính trị, nhân quyền, bloggers. Ngoài ra còn có những người sắc tộc như H’Mông, Ê Đê… Họ là nhóm người bị đàn áp vì đức tin tôn giáo hoặc bị chiếm đoạt đất đai ở Việt Nam. Tất cả người tị nạn ở Thái Lan đều hy vọng được tái định cư tại một quốc gia an toàn.
Thế nhưng, trong khi chờ đợi được tái định cư, cuộc sống tị nạn tại Thái Lan không hề dễ dàng. Vì Thái Lan không ký Công ước LHQ về người tị nạn, những người Việt Nam dù đã được UNHCR công nhận là người tị nạn vẫn bị xem là cư trú và làm việc bất hợp pháp.
Mỗi ngày, họ luôn sống trong nỗi lo sợ vì bất cứ lúc nào cũng có thể bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ rồi đưa vào trong các nhà tù IDC. Thế nên, cánh cửa đến Mỹ bất ngờ khép lại khiến tương lại của họ càng thêm bấp bênh.