Việt Nam xây đảo ở Biển Đông trong tình hình căng thẳng, đâu là thách thức?

Các chuyên gia đưa ra những cái được và mất trong kế hoạch của Việt Nam

Đọc bản tiếng Anh

Các hoạt động xây lấp đảo ở Biển Đông đã gây chú ý trong năm 2024 với con số diện tích đất mới được mở rộng và nhiều đường băng được lên kế hoạch ở các đảo mới.

Sáng kiến Minh bạch Hàng hải có trụ sở ở Washington DC (AMTI) cho biết, từ tháng 11/2023 đến tháng 6/2024, Hà Nội đã tạo thêm 280 ha diện tích đất mới tại 10 trong số 27 thực thể mà nước này đang kiểm soát ở quần đảo Trường Sa.

AMTI cũng cho biết rằng ba đến bốn đường băng có thể đã được lên kế hoạch cho bốn thực thể khác.

“Ba năm kể từ khi họ bắt đầu, Việt Nam vẫn khiến những nhà quan sát ngạc nhiên với cấp độ nạo vét và lấp đất ngày cang gia tăng ở quần đảo Trường Sa” - trung tâm tư vấn này cho biết.

Chương trình xây đảo của Hà Nội bắt nguồn từ nghị quyết của Đảng Cộng sản vào năm 2007 về chiến lược biển hướng tới năm 2020, theo giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam từ Đại. học New South Wales ở Úc.

Nghị quyết đưa ra một chiến lược phối hợp để phát triển những khu vực ven biển, một vùng đặc quyền kinh tế, và 27 thực thế ở Biển Đông với mục tiêu là khu vực này sẽ đóng góp từ 53% đến 55% tổng sản phẩm nội địa cho đến năm 2020, chuyên gia Carl Thayer nói.

Chỉ đến năm 202 Việt Nam mới bắt đầu một chương trình lấp đất và xây dựng hạ tầng cơ sở khiêm tốn ở các thực thể của mình tại Trường Sa, giáo sư Thayer nói.

Vào lúc đó, Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng “ba đảo lớn” của mình là các đảo nhân tạo ở Biển Đông bao gồm: Đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi - trang bị đường băng và cơ sở quân sự tại các đảo này.

Chương trình xây đảo tập trung chủ yếu vào cái gọi là kinh tế biển kết hợp, nhà phân tích nói với RFA, lưu ý rằng hệ thống phòng thủ còn rất khiêm tốn như các bao cát, hào và các vị trí lắp đặt súng tại các thực thể được xây mới.

―――――――――――

Báo cáo mới: Việt Nam đứng sau Trung Quốc trong việc phá huỷ rạn san hô ở Biển Đông

Việt Nam xây dựng đường băng trên Bãi Thuyền Chài thuộc Trường Sa

Việt Nam tăng cường khả năng chiến lược tại Biển Đông

――――――――――――

Nguy cơ căng thẳng

Việt Nam từ lâu đã lo ngại việc tạo ra căng thẳng với Trung Quốc nhưng các hành động lấn lướt ngày một gia tăng từ Bắc Kinh đã khiến Hà Nội phải nghĩ lại.

“Việt Nam đã không đặt các hệ thống vũ khí lớn ở các thực thể có thể gây đe doạ tới các đảo nhân tạo của Trung Quốc” - Giáo sư Carl Thayer nói.

“Nhưng rõ ràng là hành động lấn lướt của Trung Quốc đối với Philippines sau khi ông Ferdinand Marcos Jr. được bầu làm Tổng thống ở Philippines đã củng cố quyết tâm của Việt Nam là không để các thực thể của mình tại Trường Sa không được bảo vệ.”

“Việc Việt Nam chiếm giữ các thực thể là nhằm mục đích từ chối Trung Quốc cơ hội chiếm đóng các thực thể này như điều Trung Quốc đã làm để chiếm Đá Vành Khăn không có người vốn do Philippines kiểm soát vào năm 1984″ - ông Carl Thayer nói thêm.

Ông Carl Schuster - một sĩ quan hải quân Mỹ đã nghỉ hưu ở Hawaii - nói rằng trên bề mặt, Việt Nam và Trung Quốc dường như có mối quan hệ tích cực và mạnh mẽ nhưng “ở phần gốc, mối quan hệ này là sự thiếu lòng tin và với Việt Nam thì đó là chủ nghĩa thực dụng.

“Việt Nam đã chú ý rằng Trung Quốc hung hăng nhất ở các đảo không có người ở và không được phòng thủ” - ông Schuster nói.

“Hà Nội vì vậy nhận thấy việc mở rộng, gia cố và tăng cường các tiền đồn ở các đảo của mình là cách để ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc.”

Tuy nhiên, các hoạt động xây đảo của Việt Nam đã gặp phải những chỉ trích từ một số quốc gia láng giềng.

Malaysia đã gửi một bức thư hiếm hoi phàn nàn tới Việt Nam vào tháng 10/2024 liên quan đến việc xây dựng một đường băng ở Bãi Thuyền Chài - một thực thể mà Malaysia cũng đòi chủ quyền ở Biển Đông.

Vietnam has built an airstrip on Barque Canada Reef in South China Sea, seen Feb. 2, 2025. (Planet Labs)
Bãi thuyền chài Việt Nam đã xây đường băng trên Bãi Thuyền Chài ở biển Đông như hình chụp hôm 2/2/2025 (Planet Labs)

Một nước láng giếng khác là Philippines cũng tuyên bố là họ sẽ theo dõi các hoạt động xây đảo của Việt Nam.

Vào tháng 7/2023, trang Manila Times thân Trung Quốc công bố hai báo cáo về cái mà họ gọi là “Việc quân sự hoá Biển Đông của Việt Nam”, dẫn các kế hoạch chính bị rò rỉ về việc phát triển đảo từ Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Ngay sau công bố này, một nhóm người Philippines đã tổ chức biểu tình trước đại sứ quán Việt Nam tại Manila, phá cờ Việt Nam. Sự việc đã không leo thang nhưng làm mối quan hệ thân thiện thường có giữa hai nước láng giềng xấu đi.

Phản ứng hợp lý

Khối ASEAN từ lâu đã đàm phán Bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc và đồng ý giữ nguyên hiện trạng ở vùng nước đang có tranh chấp, duy trì hoà bình.

Azmi Hassan, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Nusantara của Malaysia giải thích rằng giữ nguyên hiện trạng nghĩa là “không có bất cứ sự xây lấp, đặc biệt là ở Trường Sa và Hoàng Sa vì hoạt động xây lấp có thể tạo thêm bất ổn.”

“Nhưng trong trường hợp Việt Nam, rất khó để dừng họ lại vì Trung Quốc đã làm điều này trong nhiều năm và Trung Quốc có đường băng dài nhất và việc xây lấp lớn nhất ở Đá Vành Khăn” - chuyên gia Hassan nói.

Philippine coast guard personnel maneuver their rigid hull inflatable boat near a Vietnam coast guard ship during a joint exercise off Bataan in the South China Sea on Aug. 9, 2024. ()
philippines coast guard Nhân viên tuần duyên Philippines (trái) đang đưa thuyền phao đi cạnh tàu tuần tra trong cuộc tập trận chung ngoài khơi Bataan (Philippines) ở Biển Đông hôm 9/8/ 2024. August 9, 2024. (TED ALJIBE/Ted Aljibe/AFP)

Malaysia cũng đã xây dựng một đường băng ở Pulau Layang-Layang, thường được biết đến với cái tên là Đá Hoa Lau (Swallow Reef) mà Việt Nam và nhiều nước khác cũng tuyên bố có chủ quyền.

“Cho nên rất khó để chỉ trích Việt Nam vì Malaysia cũng làm điều này và Trung Quốc cũng vậy, Philippines cũng đang làm điều tương tự trong một thời gian” - nhà phân tích nói.

Ông Greg Poling, Giám đốc AMTI, nói với RFA rằng, theo quan điểm của ông, mục tiêu của Hà Nội trong việc phát triển các thực thể ở Biển Đông “dường như để cho phép họ tuần tra khu đặc quyền kinh tế của mình tốt hơn cả trên biển lẫn trên không trong sự hiện diện thường xuyên của Trung Quốc.”

“Điều này dường như là một phản ứng hợp lý và tương xứng,” ông nói

Chính phủ Mỹ đã không có quan điểm công khai về vấn đề này nhưng chính quyền của Tổng thống Obama đã gây sức ép để đóng băng các hoạt động xây dựng đối với tất cả các bên, ông Poling cho biết.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Ash Carter đã thăm Hà Nội vào tháng 6/2015 và thảo luận vấn đề này trong một cuộc họp với đồng nhiệm người Việt Nam là ông Phùng Quang Thanh. Theo một bản tóm tắt họp báo sau đó, ông Carter được cho biết là “Chính phủ Việt Nam đang xem xét... việc dừng vĩnh viễn hoạt động xây lấp và quân sự hoá hơn nữa trên các đảo mới.

“Nhưng vào lúc đó, mục tiêu chính là chấm dứt hoạt động xây đảo của Trung Quốc”, ông Poling nói. “Rõ ràng điều này đã không thực hiện được nên bây giờ tôi nghĩ Mỹ và các bên hiểu là Việt Nam rất khó có thể đồng ý đơn phương kiềm chế khi mà Trung Quốc đã thực hiện việc xây lấp rồi.”

Vào năm 2015, Việt Nam vẫn một mực nói rằng họ chỉ thực hiện các hoạt động “để cải thiện và củng cố các đảo vốn đã thuộc chủ quyền của họ.”

Theo lời của Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Phùng Quang Thanh: “Chúng tôi không mở rộng các đảo, chúng tôi chỉ gia cố để ngăn chặn xói mòn vì sống biển và cải thiện điều kiện sống của người dân và các nhân sự của chúng tôi đang sống và làm việc ở đó.”

“Và đối với các thực thể nửa nổi nửa chìm, chúng tôi đã xây các nhà và toà nhà nhỏ, chỉ có thể chứa ba người, và chúng tôi không mở rộng các thực thể đó. Mức độ và các cơ sở ở các thực thể này chỉ cho mục đích dân sự” - ông Thanh nói với ông Carter.

Khoản đầu tư xấu?

Đi nhanh về 10 năm tiếp theo, và Việt Nam đã mở rộng thêm được một diện tích bằng khoảng một nửa số diện tích mà Trung Quốc đã xây, trong số 10 thực thể lớn nhất ở Trường Sa, năm trong số đó đang được phát triển bởi Hà Nội với ngân sách dù không được cho biết nhưng chắc chắn là rất lớn.

Chương trình xây đảo, tuy vậy, đã được công chúng Việt Nam đón nhận tích cực.

đảo phan vinh
đảo phan vinh Đảo Phan Vinh hôm 23/3/2022 và 3/2/2025 (Planet Labs with RFA annotation)

Hình ảnh và các đoạn video từ Bãi Thuyền Chài, Đảo Tiên Nữ và Phan Vinh đang được chia sẻ rộng rãi với hàng triệu người xem trên mạng xã hội như một bằng chứng về sức mạnh quân đội Việt Nam và thanh công kinh tế của Việt Nam ngay cả nếu việc xây dựng có gây tổn hại lớn về môi trường.

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nói với RFA tiếng Việt rằng bất chấp những phá huỷ về môi trường, hoạt động của Việt Nam là cần thiết và vì mục đích quốc phòng chừng nào Trung quốc không từ bỏ tham vọng bành trướng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đã cảnh báo về tính hiệu quả của những đảo nhân tạo này từ góc độ quân sự.

“Cũng như các đảo do Trung Quốc xây dựng, các đảo do Việt Nam xây, về mặt tự nhiên, có diện tích đất nhỏ và rất khó để phòng thủ chống lại các khả năng tên lửa tấn công mặt đất hiện đại, và vì ở vùng thấp, chúng cũng phải chịu ảnh hưởng của việc các cơ sở hạ tầng về hệ thống trên bờ bị ăn mòn do nước biển mặn” - ông Malcolm Davis - một chuyên gia nghiên cứu cao cấp về chiến lược và khả năng quốc phòng tại Viện Chính sách Chiến lược Úc cho biết.

“Giống với kinh nghiệm của Trung Quốc, Việt Nam cũng sẽ phải vật lộn với việc đặt khả năng quân sự ở các đảo này cho những khoảng thời gian dài” - ông Davis nói với RFA.

“Trong dài hạn, họ cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng của thay đổi khí hậu - mà rõ ràng nhất là mực nước biển dâng, có thể nuốt chửng nhanh chóng các vùng đất thấp và khiến nó không còn hữu dụng.”

“Những thách thức này là lý do vì sao tôi không lo lắng quá mức về những căn cứ do Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông, vì tôi nghĩ Bắc Kinh đã có một khoản đầu tư xấu ở đó”, nhà phân tích bổ sung.

Chuyên gia Poling từ AMTI nói rằng mực nước biển dâng và bão có thể đe doạ các đảo “nhưng đó là điều mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều có thể đối phó được với việc liên tục bồi lấp đảo và xây dựng các bức tường biển cao hơn.”

Điều này sẽ kéo theo các chi phí đáng kể và gây thêm các tác động về môi trường.

Bài viết có sự hợp tác của Iman Muttaqin Yusof tại Kuala Lumpur

Biên tập bởi Mike Firn