Vì sao Đức không trao trả bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn về Việt Nam?

Ngày 3/2 vừa qua, tờ báo Bild của Đức đã đăng tải một bài báo độc quyền cho biết “Người buôn vũ khí Nguyen T. là người phụ nữ được bảo vệ tốt nhất ở Đức”, và rằng người này đã đến Frankfurt vào mùa hè năm 2023 và tự nộp mình cho chính quyền Đức.

Nữ doanh nhân Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Nhàn, một tay buôn vũ khí nằm trong danh sách truy nã của Hà Nội vì tội tham nhũng là người mà tờ báo Đức này đề cập tới.

Tờ báo cho rằng Cục Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức đã chi “hàng triệu euro” cho nơi ẩn náu và bảo vệ bà. Họ chuyển bà đến một ngôi nhà an toàn từng là nhà thổ nhưng được cơ quan an ninh cải tạo thành “pháo đài”, có camera và lính canh có vũ trang.

Đổi lại, bà Nhàn được cho là đã cung cấp cho chính quyền Đức thông tin về các thỏa thuận vũ khí giữa Nga, Trung Quốc và Việt Nam, bao gồm thông tin chi tiết về hệ thống vũ khí, chuỗi cung ứng, dòng tiền và các công ty tham gia: “Kiến thức của bà về các giao dịch vũ khí bí mật khiến bà trở thành mục tiêu của các cơ quan tình báo nước ngoài”.

RFA liên hệ với Cục Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức (BKA) và được người phát ngôn trả lời rằng: “BKA không bình luận về dữ liệu cá nhân, các thủ tục điều tra hoặc về vấn đề liệu các cuộc điều tra có đang được tiến hành hay không.”

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là bị cáo, bị can trong năm vụ án mà cơ quan tố tụng đã xét xử hoặc truy tố hoặc đề nghị truy tố, dù bà đã bỏ trốn và đang bị truy nã trong nước và quốc tế. Tổng số tiền bà Nhàn gây thiệt hại trong các vụ án được tòa xác định đến hiện nay là gần 350 tỷ đồng (chỉ trong bốn vụ án).

Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần nêu quyết tâm trong việc bắt bằng được bà Nhàn, ngay cả trong trường hợp Việt Nam chưa ký hiệp định hỗ trợ tư pháp với quốc gia mà đối tượng đó đang cư trú, bằng việc xét xử vắng mặt để làm cơ sở dẫn độ, rồi từ đó ban hành án lệ áp dụng cho sau này.

Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang đã có chuyến thăm và làm việc tại Đức và Tây Ban Nha từ ngày 22 đến ngày 29/10/2024. Theo báo Taz, Việt Nam đã trình bày mong muốn trao đổi ông Trịnh Xuân Thanh để lấy bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn về nước.

Mặc dù bị kết án vắng mặt tổng cộng 30 năm tù vì gian lận đấu thầu và hối lộ, bà Nhàn vẫn được chính phủ Đức bảo vệ và từ chối dẫn độ về Việt Nam. Điều này đặt ra câu hỏi: Vì sao Đức không trả bà Nhàn về nước dù bà đã bị xác định là tội phạm tham nhũng?

Không có Hiệp ước dẫn độ

Ngoài việc bà Nhàn cung cấp thông tin về buôn bán vũ khí giữa Việt Nam, Nga và Trung Quốc cho chính phủ Đức như tờ báo Bild đã đưa tin, nhà báo Song Chi, từ nước Anh, cho rằng trong trường hợp bà Nhàn, Đức và Việt Nam không ký kết bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến việc dẫn độ tội phạm. Vì vậy, theo nhà báo Song Chi, về mặt pháp lý, Đức không có nghĩa vụ phải trao trả bà Nhàn.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, từ nước Đức, cho biết chiếu theo pháp luật của Đức thì việc dẫn độ không thuộc thẩm quyền của chính phủ Đức mà thuộc thẩm quyền của tòa án:

“Nước đức theo thể chế tam quyền phân lập, cho nên chính phủ Đức không thể nào can thiệp vào vấn đề dẫn độ bà Nhàn khi mà hai nước chưa có Hiệp định về dẫn độ tội phạm.”

Ngoài ra, nếu có nghi ngờ rằng pháp quyền không được duy trì ở quốc gia mà Đức yêu cầu dẫn độ một người, thì tòa án Đức có thể không chấp thuận việc dẫn độ người đó. Bà Song Chi lý giải, bởi vì bà Nhàn là người có dính líu tới nhiều quan chức tối cao của nhà nước Việt Nam. Sự có mặt của bà ở Việt Nam có thể chỉ là quân cờ để các phe phái trong Đảng triệt hạ lẫn nhau, chứ bà này sẽ không được xét xử công bằng dựa trên chứng cứ phạm tội của bà ấy:

“Ví dụ, ở đây có lời đồn là bà Nhàn có mối quan hệ với một lãnh đạo cao cấp của Việt Nam. Nếu họ muốn hạ gục ông này thì họ có thể đưa bà Nhàn về để có đầy đủ bằng chứng. Đức họ biết là như vậy cho nên họ nghĩ là không thể có một phiên tòa công bằng, cho dù là đối với các quan chức tham nhũng.”

--------------

Tờ Bild: Đức bảo vệ an ninh hàng đầu cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Ban hành cáo trạng truy tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong vụ án gây thiệt hại hơn 94 tỷ đồng ở TPHCM

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị tuyên án 24 năm tù trong vụ án thứ ba

---------------

Bảo vệ nhân quyền

Nguyên do thứ hai, theo nhà văn - bà báo Võ Thị Hảo, người hiện đang ở Đức cho biết theo quy định của luật pháp Đức, chính phủ nước này có trách nhiệm thực hiện Luật về tị nạn cũng như một số điều trong Luật cư trú, đảm bảo rằng không chỉ riêng bà Nhàn mà tất cả những người tị nạn đủ điều kiện đều được bảo vệ.

Đặc biệt, bà Nhàn lại là một người có liên quan đến các nhân vật quan trọng trong chính phủ Việt Nam, đồng thời dính líu đến lĩnh vực quốc phòng và buôn bán vũ khí, việc bảo vệ bà càng trở nên cần thiết hơn:

“Bảo vệ như thế này không phải là họ (Đức - PV) thích những người tội phạm tham nhũng hoặc những người có liên quan đến những chuyện đen tối, mà những cơ quan bảo vệ luật pháp của Đức họ phải thực hiện đúng cái quy định về đạo Luật tị nạn của nước Đức.”

Bà Võ Thị Hảo cho biết Luật tị nạn ở Đức quy định rằng tình trạng bảo vệ tại Đức sẽ được cung cấp cho những người bị bức hại ở quê hương của họ vì một trong những lý do sau: chủng tộc, quốc tịch, niềm tin chính trị, tôn giáo và họ thuộc về một nhóm xã hội nhất định:

“Trường hợp của bà Nhàn này nằm trong luật, dịch nguyên văn là “nhiều người có nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng ở quê hương của họ và họ không thể tận dụng được sự bảo vệ của đất nước mình, mối đe dọa có thể đến từ nhà nước”, thì đây là trường hợp của bà Nhàn.”

Việc Đức chi trả một số tiền rất lớn để bảo vệ một người đã từng có những chứng cứ quy kết là tội phạm tham nhũng, làm hại cho đất nước Việt Nam, theo bà Võ Thị Hảo là để bảo vệ, duy trì những giá trị nhân đạo cốt lõi của nước Đức:

“Việc chi tiền thuế để bảo vệ những người đó thì đúng là đau lòng và bất công. Nhưng mà nước Đức đã ra những quy định bảo vệ những người tị nạn, những người có thể bị nguy hiểm và không được đối xử công bằng dù họ có tội lỗi ở nước của họ cũng sẽ được dang tay ra cứu giúp thì mình cũng phải chấp nhận thôi. Bởi vì, nếu như phá vỡ những quy tắc đó thì Đức lại trở thành một đất nước không bảo vệ nhân quyền.”

Bên cạnh đó, nhà báo Song Chi cho biết chính phủ Đức còn áp dụng lệnh cấm trục xuất đối với các trường hợp mà việc hồi hương có thể vi phạm Công ước châu Âu về bảo vệ nhân quyền và tự do cơ bản, hoặc khi có nguy cơ đáng kể đe dọa đến tính mạng và sự tự do của cá nhân tại quốc gia bị trục xuất về.

Hệ luỵ từ vụ Trịnh Xuân Thanh

Tháng 7/2017, Trịnh Xuân Thanh, bị mật vụ Việt Nam tổ chức bắt cóc ngay giữa thủ đô Berlin, sau đó đưa về Việt Nam. Tháng 8/2017, ông này xuất hiện trên chương trình thời sự của VTV nói rằng mình tự về Việt Nam đầu thú. Tuy nhiên, việc ông Thanh về bằng cách nào thì không được đề cập tới.

Đức sau đó đã trục xuất hai nhà ngoại giao Việt Nam và kết án hai người khác vì tiếp tay cho vụ bắt cóc.

Ông Trịnh Xuân Thanh từng giữ chức Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, trước khi bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” vào năm 2016. Tuy nhiên, thời điểm đó ông đã bỏ trốn và xin tị nạn tại nước Đức.

Sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hồi năm 2017, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức đã xấu đi nghiêm trọng. Bà Võ Thị Hảo cho rằng vì có vụ Trịnh Xuân Thanh cho nên bà Nhàn mới đi từ Anh sang Đức:

“Một người như bà Nhàn sẽ thừa hiểu rằng là sang Đức thì sẽ được bảo vệ tốt nhất bởi vì đã từng xảy ra vụ Trịnh Xuân Thanh. Ông ấy đã từng xin tị nạn tại Đức đã được đức bảo vệ như thế nào. Và khi ông ấy bị bắt cóc về nước thì nước Đức đã đấu tranh một cách rất kiên nhẫn để đòi trả lời Trịnh Xuân Thanh. Vì vậy, bà ấy hiểu rằng nơi nên đến nhất là nước Đức và sẽ được bảo vệ.”

Cũng theo Bild, từ khi bị truy nã vào năm 2022, Bà Nhàn ban đầu chạy sang Nhật Bản, sau đó là Vương quốc Anh và hiện giờ là Đức.

Tháng 11/2024, người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức từng trả lời BBC tiếng Việt cho biết vụ những vụ bắt cóc như vụ Trịnh Xuân Thanh sẽ không được phép tái diễn.

Theo nhà báo Song Chi, vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ngay giữa thủ đô Berlin đã làm bẽ mặt chính phủ Đức. Hơn nữa, ngoài vụ Trịnh Xuân Thanh, Việt Nam đã từng thực hiện nhiều vụ bắt cóc xuyên quốc gia khác, đặc biệt nhắm vào những người bất đồng chính kiến đang tạm lánh tại Thái Lan như nhà báo Trương Duy Nhất, blogger Đường Văn Thái… Do đó, chính phủ Đức sẽ càng bảo vệ bà Nhàn chặt chẽ hơn.

Việc Đức quyết bảo vệ bà Nhàn và không trao trả theo yêu cầu từ phía Việt Nam liệu có khiến quan hệ ngoại giao hai nước?

Theo luật sư Đài, câu trả lời là không. Bởi, trong mối quan hệ ngoại giao, chính trị, kinh tế thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Đức thì rõ ràng là Đức ở cửa trên. Đức là nước nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam nhiều hơn, đầu tư vào Việt Nam cũng nhiều hơn và Đức cũng là nước viện trợ cho Việt Nam rất lớn trong rất nhiều lĩnh vực, từ cải thiện tư pháp cho tới viện trợ nhân đạo…:

“Thế nên, việc Việt Nam yêu cầu mà Đức không đồng ý dẫn độ thì sẽ không ảnh hưởng gì đến quan hệ hai nước và Việt Nam cũng ở thế yếu hơn cũng không có cách nào để gây áp lực cho phía Đức.”

Trong tương lai, khả năng cao là bà Nhàn sẽ được Đức cấp quy chế tị nạn, ông Đài nhận định như vậy và cho biết nguyên do là vì:

“Chính phủ Đức coi việc chống tham nhũng của Việt Nam là tranh chấp quyền lực giữa các phe nhóm trong nội bộ cấp cao của Đảng. Khi các doanh nhân có liên quan đến các quan chức thì họ sẽ là nạn nhân của các vụ xung đột quyền lực chính trị. Cho nên chắc chắn bà ấy sẽ được quy chế tị nạn chính trị.”

Và khi đã được tị nạn ở Đức, ông Đài cho rằng cũng tương tự như trường hợp của mình, bà Nhàn vẫn sẽ được bảo vệ nếu như cơ quan an ninh của Đức họ phát hiện ra bà ấy có nguy cơ bị đe dọa. Mức độ được bảo vệ sẽ tương xứng với nguy cơ đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của bà Nhàn.